Từ khai quốc công thần trở thành “cái họa tâm phúc”
Năm 206 TCN, quân Hán của Lưu Bang và quân Sở của Hạng Vũ nổ ra chiến tranh. Cuộc chiến kéo dài liên tiếp 5 năm ròng, sử cũ vẫn thường gọi là “Hán Sở tranh hùng”.
Lưu Bang khi ấy nhờ biết cách nhìn người, tin dùng Hàn Tín, quân thần trên dưới đồng lòng nên năm 202 TCN đã đánh bại Sở vương Hạng Vũy, sáng lập nên vương triều Đại Hán kéo dài hơn 400 năm sau đó.
Hàn Tín sau đó được phong làm Tề vương, sau lại được thăng làm Sở vương. Từ Tề vương tới Sở vương, Tín khi ấy cũng được coi như bá chủ một vùng.
Nhưng giữa lúc quan lộ rộng mở, ông lại bị Lưu Bang ra mặt chèn ép. Đối với thủ đoạn “mềm rắn đủ cả” của Hán Cao Tổ, Hàn Tín từng bước bị đẩy vào đường cùng, sau phải nhận lấy kết cục “công thần bị chặt đầu.”
Sinh thời, Hàn Tín vốn là người nước Sở. Việc được phong làm Sở vương đối với ông mà nói giống như “áo gấm về làng”.
Thế nhưng với Lưu Bang, việc phong Tín làm Sở vương thực chất là muốn đẩy Hàn Tín đến Hạ Phì (Phi Châu – Giang Tô ngày nay) để làm giảm ảnh hưởng của ông trong triều đình, đồng thời cũng dễ bề trừ khử.
Đối với vị hoàng đế đa nghi này, Hàn Tín vẫn mãi là nỗi canh cánh trong lòng, là “cái họa tâm phúc”. Ngay từ khi Hàn Tín đề xuất là giả vương của nước Tề, Lưu Bang đã có động cơ trừ khử vị “chiến thần” này.
Là một khai quốc công thần, nhưng thay vì được trọng dụng, tín nhiệm, Hàn Tín luôn là một mối họa tiềm tàng trong suy nghĩ của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
“Bán bạn cầu vinh”, Hàn Tín tự đẩy bản thân vào chỗ chết
Năm thứ hai Hàn Tín lên làm Sở vương, có người đã dâng tấu cáo buộc Tín mưu phản. Trên thực tế, tấu chương này chính là hành động vu oan giá họa.
Hàn Tín không những không có động cơ gì để mưu phản, mà bản thân cũng không có điều kiện để mưu phản. Bản thân ông sống cuộc sống an nhàn của Sở vương, lại được làm chủ một phương, hà tất phải mưu phản?
Nhưng việc vu cáo hãm hại công thần xưa nay vốn không phải chuyện hiếm.
Bản thân Lưu Bang cũng hiểu rõ đó là lời vu cáo vô căn cứ, nhưng vẫn nhân cơ hội này để hạ bệ Hàn Tín.
Khi có người bẩm báo Hàn Tín mưu phản, các quan trên triều đều vô cùng phận nỗ, nhất tề đồng thanh nói: “lập tức xuất binh, chôn sống thằng nhãi đó”.
Lưu Bang lúc này chưa tỏ thái độ ngay, mới kín đáo hỏi ý kiến Trần Bình. Lúc này, Trần Bình có hỏi: Quân của bệ hạ có tinh nhuệ hơn quân của Hàn Tín không? Lưu Bang trả lời: Không sánh kịp.
Trần Bình lại hỏi tiếp: Tướng của bệ hạ có mạnh hơn tướng của Hàn Tín không? Lưu Bang lại trả lời: Sao sánh bằng!
Tới lúc này, Trần Bình mới nói: Quân không tinh bằng quân hắn, tướng không giỏi hơn tướng hắn, lại muốn đem quân đi đánh, chẳng khác nào cố ép hắn phải làm phản.
Lưu Bang cho là đúng, nên đã lên kế hoạch bí mật bắt Hàn Tín.
Muốn trừ khử vị “chiến thần” này, Hán Cao Tổ đã phải tốn không ít công sức bày mưu tính kế, thậm chí cũng không nắm chắc phần thắng trong tay.
Nhưng đúng lúc này, Hàn Tín lại phạm phải một sai lầm nghiêm trọng!
Khi Lưu Bang lấy danh nghĩa “thiên tử đi tuần thú”, xuống gần nước Sở ở phía Nam, Hàn Tín hoang mang không biết ứng phó như thế nào.
Bản thân ông không đoán được lần này Hoàng thượng hạ cố đến Sở là thăm mình hay trừ mình. Nếu muốn giết, đem quân ra đón chẳng khác gì Tín tự đưa đầu vào tròng. Nhưng nếu là đi thăm, không ra nghênh đón, ắt Lưu Bang sẽ gán cho tội danh mưu phản.
Đúng lúc này, có người đã đề xuất cho Hàn Tín ý kiến: Người Lưu Bang hận nhất là Chung Ly Muội, vậy hãy đem đầu người này tới bái kiến, ắt có thể bình an vô sự
Chung Ly Muội trước kia là danh tướng nước Sở, cũng là anh em son sắt với Hàn Tín. Sau khi Hạng Vũ chết, Chung Ly Muội hết chỗ chạy, đành phải trốn ở chỗ Hàn Tín.
Sinh thời, Lưu Bang có thù với Chung Ly Muội đã lâu, sau này lên ngôi có hạ chiếu tìm bắt. Hàn Tín vì tình nghĩa đã che giấu cho vị bằng hữu này.
Nhưng tới khi cần bảo vệ tính mạng, Tín không ngần ngại mà bán rẻ bạn bè.
Nghe tin Hàn Tín muốn lấy đầu mình, Chung Ly Muội phẫn nộ vô cùng, la mắng Tín là kẻ “vong ơn bội nghĩa”, “chẳng ra gì”…, còn tự trách bản thân “có mắt như mù” mới kết giao với kẻ như vậy.
Khéo thay chữ “Muội” trong tên ông lại có nghĩa là “mắt không sáng”, tựa như một lời sấm truyền cho kiếp nạn chết trong tay bằng hữu của con người này.
Tuy nhiên quyết định này của Hán Tín đã sai lầm nghiêm trọng, tạo điều kiện, lý lẽ để Lưu Bang có thể che mắt thiên hạ, trừ khử “mối họa tiềm tàng”.
Ngay khi đem đầu của Chung Ly Muội đi bái kiến Lưu Bang, Hàn Tín lập tức bị bắt, đem giải về kinh sư.
Tín vì không phục, nhưng chỉ biết than trời: “thỏ chết thì giết chó, chim hết thì bẻ cung, diệt xong địch thì công thần phải chết.”
Khi nói những lời này, bản thân Hàn Tín đã biết rõ Lưu Bang một mực muốn giết mình. Lưu Bang nghe vậy liền đáp: “Nhảm nhí, mưu đồ phản trắc của nhà ngươi chẳng phải đã bại lộ hay sao?”
Nhưng Lưu Bang cũng không vội vàng giết Hàn Tín ngay, mà chỉ nhân cơ hội này hủy đi thanh danh “khai quốc công thần” của Tín. Sau đó, Hoàng đế ra lệnh “đặc xá thiên hạ”, cũng nghiễm nhiên đặc xá cho cả Hàn Tín.
Mặc dù được phóng thích, nhưng Hàn Tín bị giáng xuống làm Hoài Âm hầu. Dưới “vương” là “công” sau đó mới tới “hầu”.
Nay Hàn Tín chỉ vì bị vu khống, mà thanh danh bị hủy, chức vị cũng tụt xuống hai bậc, còn phải ở lại kinh thành, tình cảnh chẳng khác nào “cá nằm trên thớt”.
Sau khi bị giáng làm “Hoài Âm hầu”, Hàn Tín thường xuyên cáo bệnh không lên triều. Tất nhiên cái chứng “bệnh” này của Hàn Tín là do phiền muộn mà ra.
Trong thâm tâm Hàn Tín vốn cho rằng: từ Sở vương bị rớt xuống làm Hoài Âm hầu, chính là một sự nhục nhã. Tín cũng vì vậy mà bất bình ra mặt.
Năm 200 TCN, viên tướng Trần Hy được cử đến trấn thủ Cự Lộc. Trước khi lên đường, Trần Hy có tới chào từ biệt Hàn Tín.
Khi ấy, Hàn Tín có nói: “Ngươi có biết nơi phải đến là một nơi như thế nào không? Nơi đó có vị trí vô cùng trọng yếu, hơn nữa quân đội cũng rất mạnh. Nếu ngươi đi, ắt sẽ có người cáo ngươi mưu phản…
Ngươi ở nơi đó làm phản hay không trước sau đều sẽ bị giáng họa. Lần đầu tiên Hoàng thượng có thể không nghe, tới lần thứ hai sẽ nửa tin nửa ngờ, tới lần thứ ba chắc chắn sẽ mang binh đi diệt ngươi.
Ngươi phản hay không đều sẽ là phản, chi bằng cứ làm. Trần Hy đệ nếu như quyết định làm phản ở Cự Lộc, huynh đệ ta trong kinh thành sẽ làm nội ứng.”
Trần Hy đồng ý, sau đó quả nhiên dấy binh ở Cự Lộc, tự xưng là Đại vương. Lưu Bang vì nóng giận đã đích thân đem binh đi dẹp loạn, cử Lã hậu và thái tử Lưu Doanh ở lại trấn thủ kinh thành.
Năm 196 TCN, Lưu Bang ngự giá thân chinh, Hàn Tín cáo bệnh không theo, còn cho người mang thư đến chỗ Trần Hy, hẹn sẽ làm nội ứng tại kinh thành.
Tuy nhiên sự việc bại lộ, Lã hậu cùng Tiêu Hà nhân cớ đó tìm cách trừ khử Hàn Tín.
Lã hậu phao tin biên ải đại thắng, Trần Hy bị diệt, mời quần thần vào cung mở tiệc ăn mừng. Hàn Tín vì chột dạ nên định cáo bệnh, nhưng Lã hậu một mực vời bằng được ông vào triều.
Quả nhiên khi Tín vừa vào cung đã bị mai phục bắt sống, sau đó bị xử tử ở cung Trường Lạc.
Một đời oai hùng, cuối cùng Hàn Tín cũng chẳng thể giữ nổi mạng sống trước sự nghi kỵ của bề trên.
Hạ sát công thần, Lưu Bang “vừa mừng vừa thương”
Trước cái chết của vị công thần từng vào sinh ra tử với mình, “Sử ký” có miêu tả thái độ của Lưu Bang bằng mấy chữ: “vừa mừng vừa thương”.
Đây chính là mâu thuẫn trong lòng Lưu Bang về “cái họa tâm phúc” mang tên Hàn Tín.
Nhiều năm về trước, Hán Cao Tổ từng cùng vị “chiến thần” này đánh đông dẹp bắc, chia nhau từ manh áo tới bát cơm trong buổi hàn vi. Đó là chưa kể Hàn Tín toàn tài thao lược. Lưu Bang vừa quý cái tài, cũng vì cái tài ấy mà e ngại Tín.
Trước đây, khi Lưu Bang bàn với Hàn Tín về tài năng của các tướng, ông có hỏi: Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân? Hàn Tín thằng thừng đáp: Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn. Lưu Bang lại hỏi: Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu?
Hàn Tín trả lời ngay: Thần thì càng nhiều càng tốt. Lưu Bang cười nói: Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt? Hán Tín đáp: Bệ hạ không có tài cầm quân, nhưng có tài cầm tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt.
Lưu Bang e ngại cái tài của Hàn Tín, có thể chính là từ lúc đó.
Hàn Tín là một đại danh tướng, là khai quốc công thần có một không hay trong lịch sử Trung Hoa. Ông ở trong cảnh khốn cùng mà tôi luyện, khi chiến đấu lại kiên trung quật khởi, khí thế bất phàm.
Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên cũng từng khẳng định Hàn Tín là cận thần trung trinh trước sau như một với Lưu Bang, tuyệt nhiên không có chuyện làm phản.
Về việc cấu kết với Trần Hy, có người cho rằng Hàn Tín hữu dũng vô mưu, nhất thời hồ đồ; có người lại khẳng định ông chính là bị Lưu Bang dồn vào chân tường tới mức phải “túng quá làm liều”.
Việc Hàn Tín có mưu phản hay không, cho tới nay vẫn còn là chủ đề tranh luận của hậu thế.
Nhưng điều quan trọng là Hàn Tín vẫn là một tấm gương sáng của sự nhẫn nhục và phấn đấu không ngừng, là một trang anh hùng hiếm có trong lịch sử Trung Quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét