Niềm tin là nền móng cho mọi mối quan hệ thành công, dù cho đó là quan hệ công việc, đối tác, bạn bè, tình yêu, người thân...v.v. Nếu không có sự tin tưởng bạn sẽ không thể hình thành bất kì mối liên kết gần gũi nào với người khác, bởi lẽ bạn đơn giản không muốn mở lòng với một người mà bạn không thể hoàn toàn dựa vào. Mặt khác, người khác cũng cần phải tin tưởng bạn. Chúng ta vẫn thường bảo người khác làm cho ta tin tưởng họ hơn, vậy tại sao không tìm cách gia tăng “niềm tin” của họ đối với bạn?
Sau đây là 5 điều mà những người đáng tin cậy vẫn hay làm
1.Xin lỗi vì những điều ngoài ý muốn
Điều này nghe có vẻ không cần thiết hoặc thậm chí ngu ngốc với một số người, nhưng một lời xin lỗi chẳng hạn như về thời tiết hiện tại (mưa, gió…) ngay lập tức có thể khiến bạn trở thành một người dễ cảm thông và đáng tin cậy hơn trong mắt người khác.
Ví dụ, những nghiên cứu sinh của đại học Harvard đã thuê một chàng trai trẻ và bảo anh ta hỏi mượn điện thoại của 65 người lạ khác nhau ở một ga tàu điện, đặc biệt hơn họ chỉ thực hiện thí nghiệm này vào những ngày trời mưa. Phân nửa số lần khi anh chàng kia tiếp cận người khác, anh ta sẽ nói “Tôi rất xin lỗi về cơn mưa này” trước khi hỏi mượn điện thoại của họ. Chỉ 9% người lạ không nghe được lời xin lỗi có vẻ không cần thiết kia chấp nhận cho anh ta mượn điện thoại. Ngược lại, 47% người nghe được lời xin lỗi đều cho anh ấy mượn điện thoại. Những nghiên cứu sinh đã khám phá ra rằng bắt đầu một cuộc trò chuyện với một lời xin lỗi, dù cần thiết hay không, sẽ giúp gia tăng sự cảm thông và quan tâm của người nghe, cũng như gia tăng sự tin cậy của đối phương dành cho người nói.
2.Mô phỏng ngôn ngữ cơ thể để làm đối phương thoải mái
Chú ý đến cử chỉ của một người trong cuộc nói chuyện và bắt chước theo ngôn ngữ hình thể của họ có thể làm họ tin tưởng bạn hơn đấy. Một nghiên cứu được đăng trên tờ báo của học viện quản trị học đã được thực hiện như sau: những sinh viên được yêu cầu mô phỏng lại cử chỉ của người nói chuyện cùng mình (chẳng hạn như chống cùi chỏ lên bàn, chống tay lên cằm, khoanh tay...) khi cả hai đang thương lượng một vấn đề nào đó. Và có đến 67% cuộc thương lượng thành công. (Những người bị thuyết phục không hề biết về chuyện họ bị “mô phỏng”). Những sinh viên được bảo không “nhái theo” cử chỉ của đối phương chỉ có 12.5% thương lượng thành công. Lý giải cho tỉ lệ thương lượng thành công đó là việc gia tăng sự tin cậy từ những cử chỉ “bắt chước” kia, giúp giảm sự mâu thuẫn thậm chí là hỗ trợ cho việc “điều hòa” cuộc nói chuyện.
3.Người khiêm tốn, nhã nhặn
Nhìn chung, người ta thường tin tưởng những người khiêm tốn, nhún nhường hơn, bởi vì những người này trong mắt người khác rất gần gũi và thân thiện. Một cuộc nghiên cứu ở đại học California, Berkeley chỉ ra rằng việc ngại ngùng trước người khác cũng làm họ tin tưởng bạn hơn. Trong cuộc nghiên cứu, người ta cho những người tham gia xem một đoạn video một anh chàng được thông báo là mình đạt điểm tuyệt đối trong một bài kiểm tra. Những người tham gia được xem hai phản ứng khác nhau từ người thanh niên kia, một là tỏ vẻ hơi ngại ngùng, hai là tự hào và hãnh diện tột độ.
Sau khi xem đoạn video, những người tham gia cuộc nghiên cứu chơi những trò chơi để đo lường xem họ tin tưởng anh ta đến mức độ nào. Kết quả cho thấy những người được xem đoạn clip anh ta phản ứng một cách hơi ngại ngùng sẽ tin tưởng anh ta hơn. Những nghiên cứu sinh giải thích sự ngại ngùng thể hiện sự chấp nhận và sự hòa hợp trong mỗi con người, khiến họ trở nên đáng tin hơn, dễ gần hơn.
4.Thường có mùi nhẹ nhàng
Người ta khám phá ra rằng mùi hương có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của bạn trong mắt người khác. Một thí nghiệm ở Hà Lan được tổ chức với 90 người trưởng thành được chia thành 3 nhóm và cùng tham gia một trò chơi gọi là “trò chơi tin tưởng”, giúp đo lường mức độ tin cậy của một người đối với người khác. Tất cả người chơi được nhận một số tiền nhất định, và những người chơi sẽ quyết định sẽ giữ nó hay đưa nó cho những người chơi khác. Người nhận được tiền từ người khác sẽ được hưởng gấp ba số tiền, nhưng “người được tin tưởng” có quyền chọn chia sẻ hoặc không chỉ sẻ số tiền đó với “người tin” họ, đó là một quyết định cần nhiều sự tin tưởng.
Trong suốt trò chơi, cả ba nhóm được sử dụng những loại mùi nước hoa khác nhau: không mùi, oải hương, và bạc hà. Người ta phát hiện rằng những người có mùi oải hương sẵn lòng tin tưởng người khác hơn những nhóm mùi còn lại. Bộ máy thần kinh trung ương sẽ đưa ra tín hiệu về việc có nên tin một ai đó hay không, và oải hương có một mùi dịu nhẹ giúp tác động tích cực vào khu vực này, trong khi đó thì mùi bạc hà lại kích thích mạnh vào não bộ.
5.Thường có nhiều bạn chung
Chắc chắn là bạn sẽ dễ tin tưởng một người hơn nếu bạn có nhiều người bạn chung với họ. Cụ thể, hai người sẽ dễ có cùng sở thích hơn khi cùng có một người bạn chung. Bạn có thể tận dụng điều này bằng cách nhờ bạn của mình đề cập đến mình vài lần với đối phương, như vậy sẽ tạo cảm giác đối phương dường như đã hiểu bạn được một phần nào đó rồi vậy.
Đăng nhận xét