1. Dùng thời gian nhìn người
Con người vốn vì lợi ích sinh tồn, đa số đều mang trên mình một chiếc mặt nạ. Khi gặp bạn, họ thường đeo một chiếc mặt nạ giả. Đây là một hành vi có ý thức. Những chiếc mặt nạ chỉ thể hiện ra các góc độ mà bạn thích. Nếu bạn chỉ căn cứ vào những điểm này mà phán đoán sự tốt xấu của một người, từ đó quyết định mức độ giao tiếp với người đó thì bạn có thể mắc phải sai lầm.
Dùng thời gian để nhìn người tức là sau lần gặp đầu tiên, cho dù giữa bạn và người đó “Mới gặp mà như đã quen thân nhau từ lâu!” hay là “Không hiểu sao mình chẳng thích người này!” thì cũng cần phải dành ra một khoảng trống, không nên để cho yếu tố tình cảm chủ quan tốt xấu được chen vào. Sau đó mình sẽ bình tĩnh quan sát hành vi của đối phương.
Bạn muốn nhìn thấy bộ mặt như thế nào, đối phương sẽ đeo bộ mặt như thế đó |
Tục ngữ có câu: “Thức lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết là người cố nhân”. Thông thường, con người dù có che giấu tính cách của mình thế nào rồi cuối cùng sẽ lộ ra bộ mặt thật. Vì đeo mặt nạ là một hành vi có chủ ý nên lâu ngày sẽ tự mình cảm thấy mệt mỏi.
Do vậy không còn cách nào khác cuối cùng đành tự tháo mặt nạ, từ đó tính cách thật cũng lộ ra. Nhưng người đó không hề biết rằng bạn đang kề bên bình tĩnh quan sát.
- Người không thành khẩn: Vì anh ta không thành thực, do vậy lúc đầu rất nhiệt tình, sau đó lại thờ ơ. Lúc đầu thân thiện, sau lại xa lạ.
- Người nói dối: Nói dối lâu, sau đó sẽ lộ ra kẽ hở từ đầu đến cuối. Dùng “thời gian” chính là công cụ sắc bén để kiểm nghiệm những lời nói dối đó.
- Người lời nói không đi đôi với hành động: Loại người này nói và làm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Dùng “thời gian” để nhìn nhận có thể phát hiện ra sự không đồng nhất trong lời nói và hành động.
Có thể nói, có người ngay từ lần tiếp xúc thứ hai, thứ ba đã bị ta hiểu thấu bên trong. Nhưng cũng có người mà chơi với họ 2-3 năm, con người thật của họ vẫn còn nằm trong vòng “bí mật”. Họ có tài che giấu hoặc có cái gì đó sâu kín bên trong làm cho ta không thể nào hiểu rõ được.
Do vậy tiếp xúc với người lạ, giống như tiếp xúc với một miền đất mới, không nên quá vồn vã, nên lùi vài bước, dành cho mình thời gian để nghe ngóng, quan sát. Đây là cách bảo vệ bản thân tối thiểu nhất mà bạn cần phải làm.
2. Dùng “nghe ngóng” để nhìn người
Dùng “thời gian” để nhìn người cũng có điểm tốt, nhưng cũng có lúc không đáp ứng được yêu cầu cấp bách: Chỉ qua một vài ngày phải quyết định có nên hợp tác với một người nào đó hay không.
Gặp phải tình huống này, có người hoàn toàn dựa vào trực giác của mình: cho rằng tốt là tốt, không tốt là không tốt. Liên quan đến trực giác, có người khá chính xác, nhưng tính nết của con người là vô cùng đa dạng, cái đúng với người này chưa chắc đúng với người khác; cái đúng trong quá khứ chưa chắc đúng trong tương lai.
Vì trạng thái tâm sinh lý của con người bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh lúc gặp gỡ, tiếp xúc với nhau, nên có thể trực quan của bạn bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Trong trường hợp này nếu hoàn toàn dựa vào trực giác sẽ rất nguy hiểm.
Cách thức nhìn người bổ ích mà ta có thể dựa vào là nghe ngóng từ mọi phía. Con người ta luôn phải giao tiếp với người khác, đồng thời bản tính dễ bị lộ ra bởi người thứ ba không liên quan. Nếu bạn nghe từ bạn thân của anh ta thì đương nhiên bạn chỉ nghe những lời nói tốt.
Kẻ nói dối nhiều sẽ không còn nhớ mình nói gì nữa. Đó là lúc bạn nhận ra… |
Nếu nghe từ những đối thủ của anh ta, bạn sẽ nghe được những lời nói xấu. Tốt hơn, bạn nên hỏi những người không có quyền lợi hay lợi ích gì khi quan hệ với anh ta, không nhất định phải là đồng nghiệp, mà có thể là bạn cùng lớp, cùng xóm… ai ta cũng có thể hỏi.
Khi mà không có sự hiện diện của đối thủ trên vũ đài thì chiếc mặt nạ kia sẽ được gỡ xuống, lúc đó mọi người đều có cơ hội nhìn thấy bộ mặt của anh ta. Đáp án của mọi người sẽ có sự chênh lệch vì mỗi người đều có cách nhìn nhận tốt xấu không giống nhau.
Bạn có thể tập hợp những điều nghe thấy lại, tìm ra những điểm tương đồng nhất, qua đó bạn sẽ có thể hiểu một cách khái quát về tính cách thật của anh ta. Điểm tương đồng giữa các nhận xét cũng có thể là điểm chủ yếu trong tính cách của anh ta.
Lẽ đương nhiên nghe ngóng cần có kỹ xảo. Hỏi quá trắng trợn sẽ làm đối phương hoài nghi, không dám nói thật với mình. Tốt nhất là dùng phương pháp nói chuyện rồi dần gợi chuyện để hỏi, kỹ năng này ta cũng cần phải luyện tập.
Chúng ta thường nói “rau nào sâu nấy”, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Điều này có nghĩa là người như thế nào sẽ chơi với người thế nấy. Cách nhìn nhận và quan điểm sống của những người bạn chơi cùng nhau phải có những điểm tương đồng thì họ mới có thể chơi với nhau.
Do vậy người có tính tình cương trực, thẳng thắn khó có thể hợp với người mưu lược. Người thích rượu chè, cờ bạc không thể trở thành bạn thân của người mực thước.
Ngoài ra, ta còn có thể nghe ngóng tình hình trong gia đình anh ta. Hãy xem anh ta cư xử với cha mẹ như thế nào, đối với anh chị em, vợ chồng, con cái ra sao, đối với hàng xóm như thế nào.
3. Dùng “điểm tương đồng, sở thích” để nhìn người
Ngụ ngôn Hy Lạp kể rằng: “Có một vị quân vương nuôi vài con khỉ trong nhà. Anh ta luyện cho chúng cách nhảy múa, và mặc cho chúng những bộ quần áo tuyệt đẹp, đeo cho chúng những chiếc mặt nạ hình mặt người. Khi lũ khỉ nhảy múa trông rất giống như người thật.
Một ngày kia, vị quân vương bắt bọn khỉ nhảy múa cho các triều thần thưởng thức. Diễn xuất điêu luyện của lũ khỉ đã nhận được nhiều tràng vỗ tay khen ngợi. Nhưng trong số các triều thần, có một vị đã cố ý làm rơi một trái chuối trên sàn nhà.
Những con khỉ thấy vậy đã tháo lớp mặt nạ, lao vào để tranh nhau trái chuối. Kết quả là cuộc trình diễn tinh vi của lũ khỉ đã trở thành trò chế giễu cho mọi người.”
Muốn hiểu được một người, đôi khi phải thông qua những người khác |
Câu chuyện ngụ ngôn này nói rõ bản tính của khỉ không thể thay đổi dù đã được học nhảy múa và đeo mặt nạ. Khỉ vẫn là khỉ, nhìn thấy trái chuối sẽ lộ nguyên hình. Cũng vẫn đúng nếu ta đem so sánh giữa con người với các chú khỉ ở trên.
Con người ta hàng ngày không phải đang đeo những chiếc mặt nạ để đóng các vai và để biểu diễn trên sân khấu của cuộc đời hay sao?
Do vậy kẻ tiểu nhân đang đeo mặt nạ nhiều khi sẽ làm cho bạn lầm tưởng đó là quân tử. Kẻ ác đeo mặt nạ nhiều khi làm cho bạn nhầm tưởng đó là người lương thiện. Kẻ háo sắc đeo mặt nạ làm bạn tưởng nhầm là người đoan chính, tử tế.
Khỉ nào mà chẳng mê chuối! |
Những chiếc mặt nạ mà con người đang đeo làm chúng ta không thể đề phòng và lường trước được nhiều tình huống. Chúng ta đối nhân xử thế, tất nhiên không muốn làm hại đến ai, nhưng việc phòng ngừa người khác rõ ràng là điều cần thiết để tự bảo vệ mình. Do vậy khả năng nhận biết được những chiếc mặt nạ cũng là một kỹ năng sống quan trọng mà chúng ta cần rèn luyện.
Biểu hiện của con người có thể không trực tiếp giống như khỉ, nhưng cho dù anh có cải trang thế nào, gặp phải thứ trong lòng yêu thích, anh ta sẽ vô thức và hiện rõ bộ mặt thật của chính mình.
Do vậy kẻ háo sắc bình thường rất tử tế nhưng nhìn thấy người đẹp, hai mắt sẽ dán chặt vào người đẹp, ngôn từ thất thái. Kẻ thích đánh bạc bình thường không đam mê, nhưng nhìn thấy chiếu bạc không thể kìm nén được bản thân.
Áp dụng trên thực tế, bạn có thể chủ động tạo tình huống để người đó bộc lộ những sở thích, ham muốn của mình, khiến anh ta quên mất mình đang đóng vai gì, từ đó lộ rõ bộ mặt thật.
Nếu bạn không có năng lực sắp xếp tình huống, vậy thì bạn nên tận dụng mọi cơ hội để quan sát anh ta trong những tình huống mà anh ta không ngờ nhất, như khi tiếp xúc với một người phục vụ, một người ăn xin, một đứa trẻ con, một người xa lạ… Quan sát này có ý nghĩa sâu sắc hơn so với sự sắp đặt vì đối tượng bị quan sát không phòng bị, bộ mặt thật lộ ra tương đối sát thực.
Theo Tinh Hoa
Đăng nhận xét