Lòng tự trọng thấp
Lúc nào bạn cũng không đánh giá cao chính bản thân mình hoặc luôn có thái độ tiêu cực về cuộc sống và con người mình thì sẽ khiến cho mọi người xung quanh dần dà chán ngán và cũng sẽ nghĩ về bạn y chang như vậy. Nếu bạn thấy rằng nhìn vào một người nào đó có thể tạo động lực cho mình cố gắng, hãy làm như vậy. Còn nếu không, hãy tự mình suy nghĩ và tìm ra cách giải quyết cho bản thân mình. Mọi người yêu quý bạn vì rất nhiều lý do, vì thế bạn đừng để cho họ quên đi những thứ tốt đẹp của bạn mà chỉ để ý thấy những điểm chưa tốt chỉ vì lúc nào bạn cũng sống lờ mờ, không mục đích, không lý tưởng và hoàn toàn không tin tưởng vào những điểm mạnh của bản thân.
Không nói chuyện
Nếu khi đi chơi với cả nhóm bạn mà bạn chỉ ngồi im lìm một góc chẳng nói chuyện với ai cả, bạn sẽ khiến mọi người cảm giác rằng bạn không muốn nói chuyện và chỉ muốn được ở yên một mình. Đây chính là một trong những cách mà bạn vô tình xây lên những rào cản làm không ai muốn lại gần bạn đấy! Đừng chờ đợi người khác để ý và đến bắt chuyện với mình như vậy. Hãy chủ động thân thiện và mạnh dạn nói chuyện với mọi người đi nào!
Không lắng nghe
Nếu một người bạn nào đó tìm đến bạn vì cần sự giúp đỡ, hãy lắng nghe và giúp đỡ họ trong khả năng của bạn. Bạn bè cũng sẽ ngại tiếp xúc hoặc giữ quan hệ với bạn nếu như họ cảm thấy rằng bạn không phải là một người đáng tin tưởng để cho họ lời khuyên hoặc sẵn sàng dang tay giúp đỡ họ trong lúc cần kíp. Vì vậy, bạn nên tập thói quen lắng nghe và thật sự gắn kết khi nói chuyện với mọi người. Đây là một cách hiệu quả để giúp cho mối quan hệ của bạn thêm bền chặt và quý giá hơn. Hơn thế nữa, nếu bạn lắng nghe thật tâm thì người kia cũng sẽ đối xử thật lòng lại với bạn. Bạn luôn là một người bạn tốt và hào hiệp, đến khi bạn cần, những người bạn khác cũng sẽ sẵn sàng dang tay giúp đỡ cho bạn.
Ảnh: Internet
Chỉ quan tâm đến bản thân mình
Cuộc sống là không công bằng và mọi thứ sẽ không bao giờ xoay chuyển chỉ theo ý của bạn mà thôi. Chính vì vậy, khi mà bạn cứ tỏ ra mình là “cái rốn của vũ trụ”, mọi người xung quanh cũng chẳng tha thiết gì để chơi với bạn nữa. Hãy cố gắng nhìn mọi việc từ góc độ của người khác cũng như đừng xen lẫn ý kiến chủ quan và cái tôi cá nhân của mình vào xem sao, bạn sẽ hoàn toàn thấy sự việc theo một hướng rất khác đấy! Và thực tế có khi là chẳng ai rảnh rỗi để mà soi mói bạn nhiều như bạn nghĩ đâu bạn ạ.
Than thở quá nhiều
Đôi lúc việc than vãn giúp cho bạn dễ thở hơn giữa những áp lực trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên việc “bán than” quá mức cho phép sẽ làm cho mọi người phát điên và tránh xa bạn luôn đấy! Chả ai là hoàn hảo, mỗi người đều có những vấn đề riêng cần giải quyết. Nếu bạn nghĩ rằng mình thật sự cần giúp đỡ, tốt nhất bạn nên tìm đến một người có kinh nghiệm – một người mà bạn biết chắc có thể nhờ họ giúp đỡ hoặc cho bạn lời khuyên hữu dụng nhất. Còn không, bạn đừng khiến cho bạn bè phải mang thêm gánh nặng với những tiếng thở dài và hàng loạt vấn đề cá nhân từ nhỏ đến lớn của bạn nữa nhé!
Suốt ngày trách móc
Việc trách móc người khác cũng là một thói quen xấu cần được loại bỏ ngay nếu bạn không muốn mọi người xa lánh mình. Chẳng ai thích gì cái cảm giác bị hờn dỗi hay trách cứ, buộc tội vì một việc gì đó. Vì thế, khi bạn muốn nói thẳng vấn đề ra với ai, hãy thử chuyển hướng câu nói của mình sao cho nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như thay vì bạn nói: “Sao cậu không bao giờ chịu dọn nhà bếp hết vậy?”, bạn có thể nói: “Mấy tuần nay toàn là tớ dọn bếp, lần sau tới cậu đấy nhé!”. Cũng là một câu nói thôi nhưng khi bạn xoay chuyển đi một tí, người kia sẽ tiếp nhận một cách dễ dàng hơn, và vì không cảm thấy mình bị cáo buộc nên họ cũng sẽ ít có phản kháng lại hơn.
Xem nào, đọc xong bài này thì bạn cũng phần nào hiểu được vì sao tự nhiên có vài người bạn đột nhiên biến mất rồi phải không? Cùng suy ngẫm xem bạn đang mắc phải điểm nào không hay để khắc phục nhé!
Đăng nhận xét