“Hoạn quan nắm quyền” là thực trạng đã có tiền lệ trong hàng ngàn năm lịch sử Trung Hoa.
Quyền lực khuynh đảo xã tắc của các thái giám là minh chứng cho sự tin tưởng của giai cấp thống trị lúc bấy giờ với tầng lớp này, đồng thời cũng biểu hiện phần nào thứ gọi là “năng lực tự thân” của chính họ.
Nhưng tựu chung lại, việc hoạn quan can dự triều chính thường dẫn đến những kết cục bi đát cho các vương triều. Vậy, trong lịch sử Trung Quốc, có những thái giám nào đủ khả năng nắm trong tay quyền lực khuynh đảo như vậy?
Thái giám Tần triều – Triệu Cao
Vốn là hậu duệ của quý tộc nước Triệu, gặp cảnh đất nước bị xâm lược, cả Triệu Cao và cha đều bị đem thiến trong lúc sa cơ.
Thời niên thiếu, họ Triệu này gần như đã nếm trải đủ mọi khổ cực, tủi nhục chốn nhân gian. Sau này, y âm thầm vào cung tìm cơ hội báo thù rửa hận.
Ẩn mình trong cung, Triệu Cao dốc lòng hầu hạ Thiếu công tử Hồ Hợi (con trai thứ hai của Tần Thủy Hoàng). Bề ngoài tận tâm của thái giám này cũng không ít lần chiếm được cảm tình của Tần Thủy Hoàng.
Năm 210 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng đột ngột lâm bệnh và qua đời tại Sa Khâu.
Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Triệu Cao lúc này mới lộ rõ mưu kế, một mặt xúi giục đại thần Lý Tư lập Hồ Hợi làm Hoàng đế, mặt khác lại sửa chiếu thư, đẩy công tử Phù Tô (con cả của Thủy Hoàng) vào chỗ chết.
Sau đó, y tìm cách giáng họa, bỏ tù nhiều đại thần trong triều, bang trợ Hồ Hợi soán ngôi đoạt vị.
Triệu Cao chính là kẻ "có công" phá nát cơ nghiệp nhà Tần. (Ảnh minh họa).
Hồ Hợi lên ngôi trở thành Tần Nhị Thế, Triệu Cao cũng được phong làm Lang Trung lệnh, thao túng triều chính. Họ Triệu có được quyền cao, ngày càng bộc lộ rõ sát tâm, thừa cơ hại chết Lý Tư, lại đổi trắng thay đen, đem Nhị Thế thao túng trong lòng bàn tay.
Sau khi Lý Tư bị giết, Tần Nhị Thế phong Triệu Cao làm Trung thừa tướng, tước An Vũ hầu, nằm hết quốc chính. Ở chức vị dưới một người trên vạn người, lòng tham của Triệu Cao vẫn chưa thỏa mãn. Y tiếp tục phát động chính biến, ép chết Tần Nhị Thế.
Tuy nhiên sau đó, hoạn quan này cũng phải kết cục không lấy làm tốt đẹp. Y bị đâm chết tại trai cung, còn phải chịu án tru di ba họ.
40 ngày sau cái chết của Triệu Cao, nhà Tần cũng chính thức cáo chung. Tần Thủy Hoàng chắc chắn không thể ngờ giang sơn Tần triều xưng bá bốn phương bị hủy hoại tan tành trong tay một thái giám.
Thái giám nhà Đông Hán – Trương Nhượng
Trương Nhượng xuất thân là một tiểu thái giám tạp vụ trong Hán cung, sau này làm tới vị trí Trung thường thị.
Sinh thời, Nhượng xúi giục hôn quân Hán Linh đế Lưu Hoằng lập nên “Tứ viên mại quan sở” để công khai mua quan bán chức, vơ vét của cải.
Y còn thiết kế trong hậu cung Hán triều một nơi gọi là “Khỏa du quán” để Hoàng đế ăn chơi, hưởng lạc. Lưu Hoằng cũng vì vậy mà vui vẻ ra mặt, rất mực trọng dụng Trương Nhượng.
Mua quan bán chức, tắm máu triều đình là "thành tích" của thái giám Hán triều Trương Nhượng. (Ảnh minh họa).
Trong triều, Trương Nhượng cầm đầu phe “Thập thường thị”, liên tục ra tay loại trừ các phe cánh đối lập, bịa đặt tội danh để tru di nhiều trung thần.
Sự lộng hành của họ Trương đã khiến đại thần cầm đầu phe cánh ngoại thích (họ ngoại) của Hoàng đế là Hà Tiến bất mãn tột độ.
Tuy nhiên Trương Nhượng đã “tiên hạ thủ vi cường” (ra tay trước để chiếm lợi thế), thừa cơ lừa Hà Tiến vào bẫy để giết chết.
Cái chết của vị đại thần này đã gây ra biến loạn, khiến vệ quân trong kinh sư phẫn uất giết sạch mấy nghìn thái giám trong cung. Bước đi liều lĩnh cũng đẩy Trương Nhượng vào đường cùng, khiến y phải nhảy xuống sông Hoàng Hà tự vẫn.
Thái giám Đường triều – Lý Phụ Quốc
Trong lịch sử mấy ngàn năm của Trung Hoa, số lượng thái giám nhiều không đếm xuể. Nhưng những hoạn quan để lại dấu ấn thì chỉ được vài người.
Thái giám Đường triều Lý Phụ Quốc là một trong những trường hợp hiếm hoi ấy. Phụ Quốc và Triệu Cao của Tần triều là hai người duy nhất xuất thân hoạn quan có cơ hội đảm đương chức vị Tể tướng.
Thân là thái giám, nhưng Lý Phụ Quốc lại đảm đương chức vị "dưới một người trên vạn người". (Ảnh minh họa).
Sinh thời, Lý Phụ Quốc nằm lòng vô vàn mưu kế, cũng sở hữu nhiều thủ đoạn hiểm độc. Trên triều, y thừa dịp “giậu đổ bìm leo”, mưu hại đại thần, tắm máu nhiều gia tộc. Từ Thân vương đến Hoàng hậu, Hoàng đế đều bị họ Lý này đùa bỡn trong lòng bàn tay.
Lý Phụ Quốc suốt đời mưu quyền đoạt vị, tranh cướp, lừa gạt, nhưng cuối cùng lại phải chịu kết cục bi đát – bị giết rồi ném xác ra đồng hoang.
Thái giám Đường triều – Cao Lực Sỹ
Cao Lực Sĩ vốn xuất thân là một cô nhi lưu lạc, sau bị thiến rồi nhập cung hầu hạ Võ Tắc Thiên. Chứng kiến đủ mọi thủ đoạn tàn độc chốn cung đình, họ Cao dần học được cách đối nhân xử thế để sống sót tại “chiến trường” đẫm máu này.
Những thủ đoạn chốn cung đình đã “đào tạo” Cao Lực Sĩ trở thành một thái giám lão làng. (Ảnh minh họa).
Sau một hồi bày mưu tính kế, bang trợ Long Cơ lên ngôi, tru diệt băng đảng của Vi hậu và Thái Bình công chúa, Cao Lực Sĩ trở thành nô tài tâm phúc nhất mực trung thành của Đường Minh Hoàng.
Đó là chưa kể tới việc họ Cao chính là người có công “se duyên” cho Đường Minh Hoàng và Dương Ngọc Hoàn. Nhưng sau này, chính ông cũng là người phải xử giảo (treo cổ) Dương Quý phi.
Hậu thế mới dựa vào tên ông và cố sự này mà không khỏi cảm thán: “Thành cũng lực sĩ, bại cũng lực sĩ!”
Thái giám Tống triều – Đồng Quán
Thuở thiếu thời, Đồng Quán tịnh thân (tự thiến) để nhập cung, trở thành học trò của đại thái giám Lý Hiến. Sinh thời, Quán là người ôn hòa, có bản lĩnh, lại đặc biệt có tài ăn nói.
Sau khi Tống Huy Tông lên ngôi, họ Đồng như cá gặp nước, dùng hết tâm cơ để lấy lòng Hoàng đế để tìm cơ hội “một bước lên mây”.
Dựa vào năng lực của bản thân và tận dụng thời thế, thái giám Đồng Quán đã một tay thu hết binh quyền của nhà Bắc Tống. (Ảnh minh họa).
Đồng Quán còn liên thủ cùng Thái Kinh tiêu diệt nhiều phe cánh đối lập trong triều, sau làm tới chức Tướng quân, nắm giữ binh quyền nhà Bắc Tống.
Ngay cả khi nhà Bắc Tống liên tục thất bại trong các cuộc chiến với Liêu, Kim, thực lực đất nước ngày càng đi xuống, quyền lực của y vẫn được duy trì trong suốt 20 năm. Điều này đủ để thấy thủ đoạn của thái giám này cao siêu tới nhường nào!
Thái giám Minh triều – Vương Chấn
Vốn là một văn nhân mặc khách, Vương Chấn ngâm cứu sách vở lại thấy hoạn quan chính là con đường tắt để thăng tiến, liền tịnh thân để nhập cung.
Sau khi trở thành hoạn quan, Vương Chấn bắt đầu làm lung lay quy tắc cấm hoạn quan can dự triều chính từ thời Chu Nguyên Chương đề ra, công khai bước lên võ đài chính trị.
Chân dung Vương Chấn - thái giám làm lung lay những quy tắc của Minh triều. (Ảnh: nguồn internet).
Nắm trong tay quyền lực khuynh đảo, họ Vương này điên cuồng vơ vét của cải, ăn hối lộ, bòn rút quốc khố. Y còn thẳng tay loại trừ các phe cánh, dùng đủ mọi thủ đoạn để bức hại trung thần, tạo nên những thảm án tàn khốc dưới thời Minh Anh Tông.
Vương Chấn chuyên quyền, làm loạn chính sự, dẫn tới thảm cảnh Anh Tông bị bắt. Tuy nhiên Chấn cũng không có kết cục yên ổn. Sau này y chết thảm dưới tay Hộ vệ Tướng quân Phàn Trung Nhất.
Thái giám Thanh triều – An Đức Hải
An Đức Hải vào năm 10 tuổi đã bắt đầu tiến cung làm thái giám. Bởi vì làm việc khéo léo, lại biết quan sát sắc mặt người khác, lấy lòng chủ tử, nên được ưu ái gọi là “Tiểu An Tử”.
Bức ảnh chân dung hiếm hoi của "Tiểu An Tử" - thái giám An Đức Hải.
Năm 1861, An Đức Hải trở thành mật sứ giữ Cung Thân vương và Từ Hy. Chính biến Tân Dậu thành công, An Đức Hải nhờ lập được công to nên Từ Hi càng thêm trọng dụng, sau còn được cất nhắc làm tới chức Đại Tổng quản thái giám.
Từ khi trở thành tâm phúc của Từ Hy, Tiểu An Tử tự cậy công lao, can dự triều chính, chèn ép Cung thân vương, chia rẽ Lưỡng cung (Từ An và Từ Hy). Nắm trong tay quyền lực khuynh đảo, y ra sức vơ vét của cải, ngang ngược, kiêu ngạo, sau bị Từ An xử tử.
Thái giám Thanh triều - Lý Liên Anh
Được sự dìu dắt của An Đức Hải, nhưng người học trò Lý Liên Anh này thậm chí còn sở hữu nhiều thủ đoạn “cao minh” hơn thầy mình.
Lý Liên Anh tiến cung vào năm Hàm Phong thứ sáu (1856), xuất cung vào năm Quang Tự thứ 34 (1908).Với 52 năm phục vụ trong hậu cung, họ Lý này chính là hoạn quan có thâm niên lâu nhất, cũng là thái giám có phẩm vị, quyền thế và tiền bạc lớn nhất Thanh triều.
Chân dung Lý Liên Anh - đại thái giám sở hữu nhiều cái nhất trong lịch sử Thanh triều.
Trước mặt chủ tử thì khép nép, nghe lời, cái tên Lý Liên Anh lại là nỗi khiếp sợ của người ngoài với sự hung tàn và ác độc của mình. Dù được nhiều đại thân săn đón, nịnh hót, nhưng từ chư hầu tới quan lại đều bị họ Lý này coi như những kẻ “đầu đường xó chợ”.
Theo hồi ức của các cung nữ, Lý Liên Anh được Từ Hy tín nhiệm, thường nhúng tay vào chuyện triều chính.
Dựa vào năng lực tự thân cùng cái danh “người của Lão Phật gia”, thái giám này từ một tiểu tử nghèo kiết xác lại có thể ngồi trên đống tài sản bạc triệu, quyền uy khuynh đảo cả triều đình Đại Thanh khi đó cũng đã mục ruỗng và thối nát.
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét