Chấp nhận được những sự thật này, bạn sẽ hiểu và cảm thông hơn được với chính cuộc đời mình:
1. Mọi thứ đều sẽ thay đổi và mọi thứ đều sẽ kết thúc
Bao gồm cả sự vật và con người, mọi thứ đều sẽ thay đổi theo thời gian. Chúng ta không thể mong chờ một người sống mãi mãi như những gì ta nhớ đến họ, không thể mong chờ một nơi chốn kỉ niệm sẽ mãi đi cùng ta trong suốt cuộc đời này. Ngay cả bản thân ta, vốn tự nhủ sẽ giữ cho “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, nhưng cũng có lúc phải lung lay giữa lợi và hại, giữa đúng và sai. Thay đổi chính là cách mọi thứ vận động và phát triển, cái cũ tan biến nhường chỗ cho cái mới phù hợp hơn – đó là quy luật của cuộc sống.
Chính vì mọi thứ rồi sẽ thay đổi, nên không có gì là mãi mãi. Mọi nỗi buồn rồi cũng sẽ qua, mọi cuộc vui rồi cũng sẽ tàn. Hiểu rằng mọi thứ rồi sẽ kết thúc, ta nên học cách buông bỏ, quên đi quá khứ, thì mới có thể sống hết mình với hiện tại.
Ảnh: minh họa
2. Phần lớn mọi thứ diễn ra không theo kế hoạch
“Người tính không bằng trời tính” – dù bạn đã cố gắng như thế nào, lập kế hoạch cẩn thận và tỉ mỉ ra sao, vẫn sẽ luôn có những yếu tố không ngờ tác động đến cách mọi thứ diễn ra. Vì vậy, thay vì cố chấp bám lấy kế hoạch của mình hoặc bất lực, bực bội khi biến cố xảy ra, hãy học cách linh động ứng biến với mọi hoàn cảnh, luôn có sẵn kế hoạch dự phòng cho tình huống xấu nhất. Khi đã chuẩn bị kĩ lưỡng mà tình huống xấu hơn vẫn xảy ra, hãy hiểu đó là thứ cần phải xảy ra và đón nhận một cách bình thản, không hối hận.
Đó là vì, khả năng của con người là có hạn. Nếu ai cũng có thể làm mọi thứ hoàn hảo ngay từ đầu, chúng ta đã chẳng cần đến thử thách làm gì, chẳng cần sống để hoàn thiện bản thân làm gì.
3. Cuộc sống vốn dĩ không công bằng
Nhiều người nói rằng, cuộc sống không công bằng trong chi tiết và công bằng trong tổng thể, nghĩa là ai khổ trước rồi sẽ sướng sau, và ngược lại. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng. Bản thân mỗi người sinh ra đã là một màu sắc khác nhau, hình thù khác nhau, làm sao có thể định nghĩa điều gì là “công bằng”? Hơn thế nữa, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhiều người tưởng sướng hơn ta mà thực chất khổ hơn ta, nhiều người tưởng đáng để ta thương mà thực chất chính họ cũng cảm thấy ta đáng thương hại. Nếu không ở trong hoàn cảnh của người khác, bạn vĩnh viễn không thể phán xét được điều gì. Mỗi người mỗi cảnh, so sánh lắm chỉ càng thêm mệt mỏi, cách duy nhất là bạn phải sống tốt cuộc đời của mình, làm tốt việc mình đang làm mà thôi.
4. Cả niềm vui lẫn nỗi buồn đều cần thiết
Bạn định nghĩa thế nào về hạnh phúc? Một cuộc sống chỉ toàn niềm vui và không có nỗi buồn? Nhưng chỉ có nỗi buồn mới khiến bạn tận hưởng được hết giá trị của niềm vui. Chỉ cần bạn đã sống hết mình với cuộc đời, làm những điều ý nghĩa cho bản thân và người khác, thì mọi thăng trầm, đau khổ bạn phải trải qua đều đáng trân trọng cả. Giống như những gia vị cuộc sống, giống như tay trái và tay phải, cả niềm vui và nỗi buồn đều cần thiết, đừng bao giờ quên điều đó.
Ảnh: minh họa
5. Không thể bắt ai luôn yêu thương và trung thành với mình
Chúng ta luôn thất vọng khi ai đó phản bội mình, hoặc không còn yêu thương mình nữa. Nhưng, bên cạnh một sự thật như đã nói ở trên, rằng ai rồi cũng sẽ thay đổi, thì một sự thật nữa bạn cần chấp nhận là không ai có “nghĩa vụ” hay “trách nhiệm” phải yêu thương và trung thành với bạn. Ngay cả khi bạn rất yêu thương người đó, rất trung thành với người đó, thì việc họ có đáp lại bạn tương tự hay không cũng hoàn toàn là lựa chọn của họ.
“Tôi hi sinh cho anh như thế mà anh lại phản bội tôi?” – thực tế, hai điều đó chẳng liên quan gì đến nhau hết. Bạn hi sinh cho người khác không phải để đổi lấy sự trung thành của họ, mà là vì bạn yêu thương họ. Họ trung thành một đời với bạn cũng không phải để trả lại sự hi sinh của bạn, mà là vì họ yêu thương bạn. Chúng ta, ở bên nhau hay xa lạ với nhau, đều là sự lựa chọn cả. Mà đã là lựa chọn, bạn không thể bắt ai cũng phải làm giống như mình.
Trên con đường trưởng thành, không có ai mà không cô đơn. Hiểu được những sự thật trên sẽ giúp bạn đối mặt với nó dễ dàng hơn.
Theo Phunutoday
Đăng nhận xét