Năm mới 2018 là năm Mậu Tuất (năm con chó), chúng ta hãy cùng xem lại đôi điều về loài vật thông minh này cũng như biểu tượng con chó trong phong thủy.
Các linh vật được làm theo từng năm.
Nguồn gốc loài chó
Chó thuộc loài động vật ăn thịt có thính giác và khứu giác rất phát triển. Theo phân tích AND, thời gian chó sói tiến hóa thành chó nhà từ hơn 13 vạn năm trước và đã gắn bó rất thân thiết với cuộc sống con người. Nhưng quan điểm chung lại cho rằng, chó trở thành bạn thân thiết của con người cách đây mới hơn 1 vạn năm.
Chúng ta phải thừa nhận một cách chắc chắn rằng chó là một con vật “đa năng”: chó giữ nhà, chó cảnh, chó săn, chó thể thao, chó nghiệp vụ… Trong chó nghiệp vụ lại được đào tạo chuyên sâu hơn như chó phát hiện, phòng trừ mối sử dụng trong ngành cứu hộ đê điều; chó cảnh sát giúp phát hiện ma tuý, săn bắt tội phạm; chó làm các dịch vụ bảo vệ; chó cứu hộ trong các tình trạng khẩn cấp như động đất, thiên tai, bão lũ…; chó săn bắt mồi, chim chóc… Không thể kể hết những công vịêc mà chó có thể giúp đỡ hoặc thay thế con người.
Tục thờ chó khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, và có ở hầu khắp thần thoại các dân tộc ở Đông Nam Á lục địa. Ban đầu tục này xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi gia súc khu vực Tây Nam Á, với vai trò canh giữ đàn gia súc. Sau đó có thể người Ấn–Âu từ thời đồng thau đã mang vào Đông Á truyền thống chăn nuôi cùng với tín ngưỡng thờ chó. Trong thần thoại vùng Địa Trung Hải và Trung Cận Đông, hình tượng chó, kẻ canh giữ gia súc đã sớm chuyển thành kẻ canh giữ thế giới âm phủ.
Chó có linh giác rất mạnh
Không ít người nuôi chó đã từng chứng kiến có lúc chó dừng phắt lại, toàn thân cứng ngắc, mắt nhìn chăm chăm vào một điểm trống không, lông dựng đứng, bắt đầu từ cổ, rồi lan dần xuống lưng cho đến cả toàn thân. Nó bắt đầu gầm gừ nho nhỏ, nhiều khi rên lên những tiếng sợ hãi. Dù chúng ta cố sức lôi đi, nó cũng cưỡng lại, như bị thôi miên bởi một sức mạnh vô hình nào đó. Đột nhiên, cũng bất ngờ như khi hiện tượng trên bắt đầu; phản ứng cứng ngắc dịu dần; nó trở lại bình thường, và tiếp tục đi, tựa như cái vật vô hình nó vừa nhìn thấy đã di chuyển chỗ khác. Đây là một sự kỳ bí chưa ai giải thích được.
Người ta còn tin tưởng chó có giác quan thứ sáu, có nhiều khả năng vượt trội loài người như biết đường tìm về nhà xa cả vài trăm cây số dù đường đi chưa từng quen thuộc bao giờ; tiên đoán được động đất, bão tố, hoặc những tai họa thiên nhiên. Trước khi bão tố hay động đất, người ta thấy chó trở nên bứt rứt, lè lưỡi thở hồng hộc, chạy quanh trong nhà, đôi khi nó rên rỉ, hoặc run rẩy một cách đau đớn, hú những tiếng thê thảm. Sự đau đớn càng gia tăng khi động đất hay bão tố càng gần.
Giới khoa học tin rằng chó rất nhạy cảm trước sự thay đổi áp lực của khí quyển trước trận bão, hoặc cảm được từ điện trong không khí, cũng như nghe được những âm thanh có tần số mà thính giác của loài người không bắt nổi. Chó còn có khả năng phát hiện luồng từ tính địa cầu trong môi trường chung quanh, từ đó nó định hướng để tìm về nhà chủ, dù cách rất xa và đường lạ.
Biểu tượng chó trong phong thủy
Trong văn hóa Á Đông chó được xếp vào 12 con giáp ở vị trí thứ 11 với chi Tuất và một trong những con vật thuộc lục súc. Tục thờ chó đá cũng có từ xa xưa, nhân gian thường gọi với vẻ đầy tôn kính là thần Cẩu hay Thạch Cẩu. Vậy tượng chó phong thủy có ý nghĩa gì trong đời sống chúng ta? Trong quan niệm của người Việt thì chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui (mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu).
Trong nét văn hóa và tâm linh của một số dân tộc, con chó là động vật thân thiết gắn bó từ rất lâu đời với người chủ nói riêng và con người nói chung, những đức tính của chó được tôn vinh như trung thành, thông minh, quan tâm đến chủ… nó là bạn gần gũi của con người, chó canh gác nhà cửa cho con người, vì thế có nơi chó được thờ cúng tại các đền thờ, miếu mạo.
Tương truyền, chó bình thường chỉ coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải “nuôi” chó đá. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ.
Hiện nay, ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, thậm chí thờ và kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch.
Chó trấn cửa thường được đặt thế nào?
Trong phong thuỷ, có quan niệm chó cũng là vật để hóa giải sát khí trong nhà, để cầu mong sự tốt lành, tránh điều dữ, nên chó được dùng để trấn cửa. Việc dùng chó trấn cửa thường chỉ dùng số lượng từ 1 đến 2 con và tuân theo một số nguyên tắc sau:
Tượng chó không dùng trấn ở cửa chính: Trấn thủ ở cửa lớn thông thường người ta dùng tượng sư tử, nên tượng chó thường dùng để trấn ở cửa ngách và đặt tượng chó ở nơi gần cửa, đầu chó hướng ra cửa và kỵ đặt ở phương Đông Nam.
Đặt tượng chó thường phụ thuộc theo phương vị để chọn màu: Nếu đặt ở phương Bắc thì chọn chó đen, nếu ở phương Tây thì chọn chó trắng, phương Nam thì chọn chó màu vàng sẫm.
Tranh chó trong phong thủy sử dụng thế nào?
Bên cạnh việc dùng tượng chó đá để trấn cửa, thì tranh chó treo trong nhà cũng được xem là một phương pháp về phong thủy. Giống như dùng tượng chó, việc dùng tranh chó phong thủy cũng tuân thủ những nguyên tắc sau:
Hướng treo: Treo ở hướng chính Đông, Đông Bắc, chính Nam là những vị trí tương hợp. Hoặc treo ở hướng Tây Bắc là phương vị chính của loài này. Không nên treo tranh này ở hướng Đông Nam của ngôi nhà vì đó là phương vị tương khắc của loài chó. Để đạt được múc đích đề phòng trộm cắp nên treo bức tranh trang trí có hình con chó đầu hướng vào cửa chính.
Cách treo: Trong nhà chỉ nên treo một bức tranh, vì được người xưa quan niệm việc treo nhiều trong nhà khó có được sự bình yên.
Tuổi treo: Theo phong thủy, những người tuổi Mão, Dần, Ngọ (mèo, hổ, ngựa) tương hợp với loài chó, thích hợp để treo bức tranh này. Ngược lại những người tuổi Thìn, Dậu, Sửu, Mùi (rồng, gà, trâu, dê) tương khắc với loài chó, không nên treo bức tranh này.
Người tuổi chó hợp với những tuổi gì?
Dần, Ngọ và Tuất được xem là tam hợp, tức tuổi chó rất hợp với tuổi Dần (hổ) và Ngọ (ngưa). Bởi vì, theo luật thuận hợp hay khắc kỵ của Ngũ Hành thì: Dần có hành Mộc, Ngọ có hành Hỏa và Tuất có hành Thổ, cho nên chúng ta phân tách từng cặp tuổi chỉ thấy tuổi Ngọ được tương sanh với tuổi Dần và tuổi Tuất như sau:
Cặp Dần và Ngọ có Hành Mộc (Dần) sinh hành Hỏa (Ngọ), cho nên được tương sinh. Bởi vì, hành Mộc bị sinh xuất và hành Hỏa được sinh nhập.
Cặp Ngọ và Tuất có Hành Hỏa (Ngọ) sinh hành Thổ (Tuất), cho nên được tương sinh. Bởi vì, hành Hỏa bị sinh xuất hành Thổ được sinh nhập.
Trong khi, hành Mộc (Dần) khắc hành Thổ (Tuất) cho nên bị tương khắc. Bởi vì, hành Mộc được khắc xuất và Thổ bị khắc nhập. Do vậy, cặp tuổi Dần và Tuất xem như Không Được Tương Hợp, chỉ có tuổi Ngọ được Tương hợp cả tuổi Dần và tuổi Tuất mà thôi hay nói khác đi, tuổi Ngọ được Nhị Hợp cả tuổi Dần và tuổi Tuất.
Ngoài ra, tuổi Tuất nằm trong nhóm tứ hành xung là: Thìn, Tuất, Sửu và Mùi, bởi vì chúng nó khắc kỵ nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta xét kỹ thì chúng nó khắc kỵ trực tiếp từng cặp: Thìn và Tuất - Sửu và Mùi.
Đăng nhận xét