Ma túy "bùa lưỡi" là gì? Nguy hại ra sao?
Gần đây dạng ma túy tổng hợp mang tên LSD (Lysergic acid diethylamide) có hình nhỏ xíu dạng như chiếc tem nhỏ đã dần xuất hiện trở lại. Vậy loại ma túy bùa lưỡi là gì, nguy hại ra sao?
Nói đến ma túy tổng hợp, hẳn không ít bạn nghĩ ngay đến cocaine, heroin, thuốc lắc... Chúng là những chất gây nghiện nguy hiểm và có thể tàn phá sức khỏe của con người.
Dù ra đời từ lâu nhưng mới đây, dạng ma túy tổng hợp mang tên LSD (Lysergic acid diethylamide) có hình nhỏ xíu dạng như chiếc tem nhỏ đã dần xuất hiện trở lại.
Nhà khoa học Albert Hofmann và sản phẩm của mình. |
Vậy loại ma túy tổng hợp này như thế nào và chúng có tác hại ra sao? Cùng tìm hiểu sự nguy hiểm của chúng khi xâm nhập vào cơ thể người qua chùm ảnh dưới đây.
LSD (Lysergic Acid Diethylamide) là hoạt chất kích thích thần kinh cực mạnh, được tìm ra bởi nhà khoa học Thụy Sĩ - Albert Hofmann vào năm 1943.
Khi phát minh ra hoạt chất này, ông Hofmann hi vọng sẽ đóng góp nhiều cho việc chữa trị các căn bệnh về thần kinh. Tuy nhiên, lợi dụng chất kích thích này, người ta đã sử dụng chúng như một chất kích thích cực mạnh. LSD được mô tả là không màu, không mùi, không vị, tồn tại ở dạng viên nhộng, viên nén và “viên giấy” (giấy được sao tẩm LSD).
Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5cm x 1,5cm. “Viên giấy” được gắn một lớp nilon mỏng có khả năng tan trong nước và chất cồn. Nó có tác dụng trực tiếp đến cơ thể người sử dụng thông qua cơ quan vị giác - lưỡi.
Thời gian để “bùa lưỡi” tan hết trong miệng thường là 3 giờ, ngay từ phút đầu tiên khi ngậm nó, “thuốc” sẽ tác dụng trực tiếp lên não người sử dụng.
Ảnh hưởng LSD là không thể đoán trước được, tùy theo lượng thuốc sử dụng, tâm trạng, tính cách của người sử dụng, và môi trường xung quanh.
Thông thường, LSD sẽ bắt đầu có tác dụng sau 90 phút kể từ khi sử dụng. Các triệu chứng đầu tiên là giãn đồng tử, thân nhiệt thất thường, huyết áp và nhịp tim rối loạn. Một số người còn có thể đổ mồ hôi như tắm, hoặc cảm thấy ớn lạnh.
Người sử dụng LSD sẽ cảm thấy mất đi vị giác, mất ngủ, khô miệng, run rẩy, tâm trạng thay đổi thất thường. Thị giác của họ cũng trở nên nhạy cảm hơn đối với một số màu sắc.
Do LSD thuộc nhóm chất gây ảo giác cao, kích thích mạnh tới bộ não nên có thể gây ra bệnh tim mạch, đau cơ không chỉ trong lúc sử dụng “thuốc” mà còn kéo dài sau thời gian sử dụng.
Người dùng LSD sẽ nhanh chóng bị kích động mạnh, bị ảo giác những thứ không có thật bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn cao trào, người sử dụng cảm tưởng như mình đang ở… thế giới khác.
Nếu sử dụng liều lượng đủ lớn, LSD sẽ gây ảo giác mạnh. Hiện tượng ảo giác, lung linh huyền ảo cũng như rùng rợn theo đó cũng xuất hiện theo, ví dụ như đang đứng trên tầng 5 nhìn xuống tầng 1 chỉ có cảm giác cách 1m chiều cao hay nhìn một chiếc Tivi thành 2-3 chiếc...
Không chỉ vậy, kích cỡ, hình dáng của sự vật xung quanh cũng như bị bóp méo. Thậm chí cơ thể còn trở nên nhạy cảm đến mức việc chạm vào tay thông thường cũng trở nên kỳ dị, đôi khi thấy hoảng loạn, sợ hãi.
Khả năng suy xét và nhận biết nguy hiểm cũng theo đó giảm sút. Một người sử dụng LSD có thể tìm cách nhảy ra khỏi cửa sổ để có thể… nhìn mặt đất rõ hơn. Hay có người lại thích đứng giữa ngã tư đông đúc xe cộ để ngắm Mặt trời.
Có thể nói, ảnh hưởng của LSD lên cơ thể không nhiều nhưng ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý con người có thể lên tới hàng tuần, thậm chí cả năm.
Bên cạnh đó, LSD sẽ tích tụ dần trong cơ thể, khiến cơ thể “nhờn” thuốc, đồng nghĩa với việc người dùng càng phải sử dụng nhiều thuốc hơn mới có thể rơi vào trạng thái “phê thuốc”. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây tổn thương tâm lý, trầm cảm, thậm chí là tâm thần phân liệt suốt đời.
Nguồn: Trí Thức Trẻ