Những thói quen xấu xí khiến đời bạn khốn khổ
Cuộc sống tạo nên những thói quen, nhưng có những thói quen khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn và cũng có những thói quen nhấn chìm đời bạn trong khốn khổ.
1. Cố thủ với những gì đã biết và quen thuộc
Khi bạn thôi học hỏi, bạn cũng chính thức ngừng sống một cách ý nghĩa.
Hãy thử tiếp thu những điều mới mẻ, thử áp dụng chúng; nếu bạn không thoải mái để hoàn toàn chấp nhận những thứ quá cấp tiến, chỉ cần nhìn nhận chúng một cách tích cực và tiếp cận ở mức độ làm quen thôi cũng được, sẽ chẳng hại gì cho bạn, ngược lại chúng còn giúp bạn phát triển bản thân.
Sự phong phú của cuộc sống không phải luôn thể hiện ở những lĩnh vực quen thuộc, những phạm vi hạn hẹp mà bạn luôn khép mình trong đó để tìm kiếm sự an toàn.
Khi bạn dám mạo hiểm, cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều. |
Cuộc sống đầy thú vị và hấp dẫn khi bạn mạo hiểm, bước qua khỏi ranh giới yên ổn của mình để khám phá xung quanh và khám phá chính bản thân bạn.
Dù vậy, hãy hoà nhập mà đừng hoà tan, đó là cách bạn giữ lại giá trị cốt lõi của mình khi lần nữa mở cửa trái tim và tâm hồn ra để nhìn thế giới. Thế giới quan và quan điểm sống của bạn sẽ vững vàng và trưởng thành hơn nếu bạn biết cách nhìn mọi sự từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Đừng ngại thách thức mình một chút để mở rộng kho tri thức của chính mình. Bằng cách đó, bạn sẽ khám phá và trải nghiệm ngày một nhiều hơn những phép màu của cuộc sống.
2. Bỏ qua sự cân bằng giữa làm việc và ngơi nghỉ
Dành thời gian nghỉ ngơi là điều bắt buộc. Trong cuộc sống, hiệu suất hoạt động của con người ở mức tối ưu khi có sự cân bằng giữa tập trung hoạt động với nghỉ ngơi và tự tái tạo.
Đây không phải là lý thuyết do chúng ta tự nghĩ ra mà là quy luật của tự nhiên, cơ thể con người được tạo hoá thiết kế để lao động trong các quãng ngắn, và đòi hỏi phải có sự tái tạo định kỳ về cả thể chất lẫn tinh thần.
Nói cách khác, để có được sự thành công trong cuộc sống về lâu dài, bạn cần thiết kế lịch làm việc theo nguyên tắc: làm - nghỉ - làm – nghỉ… Cả trong những mục tiêu ngắn hạn, nguyên tắc này vẫn đúng dù bạn có thể nghĩ như thế bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để đến đích.
Đó đơn giản là vấn đề về cân bằng cuộc sống – cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi, giữa công việc và gia đình, giữa cầu toàn hoàn thành mọi việc và cho phép để vài việc dở dang… Không có sự cân bằng, mọi sự rồi sẽ ngã đổ và rời rạc.
Cân bằng giữa hành động và nghỉ ngơi là chìa khoá để giữ cho cuộc sống của bạn luôn thăng bằng. |
Chẳng hạn, khi bạn đặt sự nghiệp (hoặc đời sống xã hội, hoặc gia đình) của mình là trên hết, chiếm toàn bộ năng lượng và sự tập trung của bạn mọi lúc, bạn sẽ sớm nhận ra những thứ quan trọng khác trong cuộc sống của bạn sẽ dần dần xuống cấp và rời bỏ bạn.
Tóm lại, trong cuộc sống có lúc thứ này có thể hấp dẫn và quan trọng hơn thứ kia, nhưng bạn luôn cần phải cân đối chúng với những thứ khác quan trọng trong cuộc đời để giữ cho cuộc sống của bạn được cân bằng, đơn cử là biết nghỉ ngơi xen kẽ giữa những giờ làm việc căng thẳng (dù đó là việc ở cty hay việc nhà).
Cân bằng giữa hành động và nghỉ ngơi là chìa khoá để giữ cho cuộc sống của bạn luôn thăng bằng.
3. Luôn chọn con đường ít chông gai
Bạn cần bản lĩnh để làm xong việc phải làm dù nó rất mất thời gian. Bạn cần bản lĩnh để tồn tại trong nghịch cảnh khi mà việc bỏ cuộc thật quá dễ dàng. Bạn phải có bản lĩnh để có thể lịch sự được với người không hề lịch sự với bạn.
Bạn cần bản lĩnh để nói sự thật khi mà lời nói dối có thể giúp bạn đỡ gặp rắc rối biết bao nhiêu. Bạn cũng cần bản lĩnh để hy sinh cái lợi trước mắt cho mục tiêu lâu dài. Và bạn cũng cần bản lĩnh để chống lại những cám dỗ và cạm bẫy trên đường đời.
Phải, bạn cần sức mạnh và bản lĩnh dể làm được tất cả những điều đó. Nhưng đừng lo, bạn không tiêu tốn bản lĩnh của mình mà ngược lại càng làm bản thân mạnh mẽ hơn khi chọn cách đúng đắn nhưng khó khăn hơn để giải quyết mọi việc.
Hãy sống trung thực và làm những gì bạn cho là đúng đắn, nỗ lực khi cần thiết và luôn bước về phía trước. Hãy rèn luyện cho bản lĩnh của bạn mỗi ngày, để bạn có thể sống mạnh mẽ hơn mỗi ngày qua.
4. Chung sống với những buồn chán thường nhật
Đừng sống với sự thất vọng, hãy gạt chúng sang bên lề cuộc đời bạn. Bạn không thể thay đổi những điều đã xảy ra, nhưng bạn có thể dùng nó để làm mình mạnh mẽ và nghị lực hơn. Hành trình của sự trưởng thành về tinh thần đòi hỏi bạn phải đánh giá những sự kiện đã xảy ra trong đời để tìm ra sự khôn ngoan và mục đích sống của mình.
Đời người là khoảng thời gian được quy định theo quy luật trời đất, và nó chỉ là cuộc sống khi bạn biết nắm lấy thời gian của mình. Khi những ký ức đau thương, nỗi sợ hãi và chán chường trong bạn thôi nhức nhối và tự làm bạn tổn thương, lý trí bạn hét lên: “Đủ rồi!” Đó chính là thời điểm bước ngoặt để cuộc đời bạn sang trang, một chương mới của thành công và hạnh phúc.
Vì thế, hãy đóng cánh cửa quá khứ ngay hôm nay để mở ra cánh cửa của tương lai, với một hơi thở thật sâu và bước lên phía trước để mở ra giai đoạn mới của cuộc đời.
5. Ám ảnh với nỗi đau
Nỗi đau là một phần của cuộc sống, góp phần tạo nên con người chúng ta, cũng giống như tình yêu và tiếng cười. Bạn không cần phải quên đi những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng đừng để chúng huỷ hoại chính bạn. Chinh phục nỗi đau chính là cách để bạn chinh phục chính mình. Người ta nói “thời thế tạo anh hùng”, nhưng đôi khi thật khó để vượt qua “thời thế” để thành “anh hùng”.
Hãy bước đi cùng đam mê chứ không phải những nỗi chán chường thường nhật. |
Trong những lúc này, hãy dùng sự tử tế của bạn, suy niệm về hy vọng và dễ dãi một chút với bản thân – ít nhất là đến khi bạn thấy được ánh sáng le lói cuối đường hầm. Tiếp đến hãy bước một cách tự tin với ý nghĩ bạn sẽ mạnh mẽ hơn với mỗi bước vượt lên chính mình.
Nhưng cũng đừng vội vã bỏ chạy khỏi những nỗi đau của mình, cứ bước từng bước một, hết bước này đến bước khác, bạn sẽ sớm vượt qua được những rắc rối hiện tại của chính mình, đâu rồi cũng vào đó cả thôi.
6. Bỏ quên đam mê
Cũng như phản ứng của cơ thể bạn với thức ăn, tinh thần, lý trí và tâm hồn bạn cũng cần được nuôi dưỡng. Bạn sẽ làm được điều đó khi tận hưởng niềm đam mê của mình. Bởi bạn có thể thực sự đánh mất mình trong những gì mình yêu nên bạn cũng sẽ tìm thấy chính mình ở đó.
Cuộc sống thực thụ là khi bạn được sống cùng những đam mê, tìm thấy và chinh phục chính bản thân mình trong những lĩnh vực bạn yêu thích, để biến ước mơ thành hiện thực.
Vì vậy, đừng bao giờ để thực tại cuốn phăng đi niềm yêu thích và đam mê của bạn, có thể tại thời điểm này bạn chưa thể dành hết tâm trí cho đam mê ấy, nhưng hãy luôn giữ nó bên mình, duy trì những hoạt động yêu thích và luôn xem đam mê là một trong những mục tiêu quan trọng trong cuộc đời bạn.
7. Chờ đợi một phép màu
Ước mơ là một khái niệm khác với giấc mơ, bạn không thể cứ nhắm mắt mơ mộng mà có được, ước mơ được hình thành để bạn biến nó thành hiện thực bằng cách hành động.
Có sự khác nhau rõ ràng giữa một người thành công và một người chỉ đắm chìm trong những mộng tưởng về một tương lai tươi sáng. Nói cách khác, sẽ chẳng có cây đậu thần hay phép màu nào giúp bạn biến ước mơ thành hiên thực cả, bạn chỉ có thể đạt được điều đó bằng chính sức lao động của mình.