Tạo hiềm khích để đời, Quan Vũ tự đẩy mình vào chỗ chết?
Sinh thời, Quan Vũ vốn không vừa mắt Lưu Phong - con nuôi của đại huynh Lưu Bị. Cũng vì điều này mà về cuối đời, ông đã bị chính Lưu Phong đẩy vào “tử lộ”.
Dùng con nuôi làm nước cờ chính trị
Lưu Phong vốn có tên là Khấu Phong, là con trai của La hầu trấn thủ Phán Thành (Trường Sa), con đẻ của em gái Lưu Bị.
Vào năm 200, Lưu Bị giao tranh với Tào Tháo ở Từ Châu đã bị thất lạc vợ con, chạy về phía nam theo Lưu Biểu. Sau này, Lưu Bị được Từ Thứ giúp đỡ, đánh bại quân đội của Tào Nhân.
Cũng vào lúc này, Lưu Bị gặp cháu ruột là Khấu Phong, khi đó mới hơn 10 tuổi. Lưu Bị vừa thấy Phong đã đem lòng quý mến, nhận làm con nuôi, cho mang họ Lưu, đổi tên thành Lưu Phong.
Có thêm con nuôi đối với Lưu Bị giống như có thêm trợ thủ. Hơn nữa, Lưu Phong còn có xuất thân danh giá, là đích tôn của La hầu họ Khấu (ngoài hoàng thân quốc thích, chức “hầu” thời đó là cao nhất), lại là cháu ruột của họ Lưu tại Trường Sa.
Các sử gia lý giải, Lưu Bị sở dĩ nhận Lưu Phong làm con nuôi, chủ yếu là muốn nhắm vào quyền thế và danh tiếng của gia tộc Khấu để “đánh vào lòng người”.
Muốn có được thiên hạ, tất phải thu phục được lòng dân. Lưu Bị thu nhận con nuôi vừa có được họ Khấu ủng hộ, lại tạo được cảm tình với dân chúng.
Nước cờ này của Hán Trung vương chính là muốn che mắt thiên hạ, cũng là tạo thời cơ để bồi dưỡng con ruột Lưu Thiền kế vị ngai vàng.
Trước nay, bậc đế vương vốn tính đa nghi. Lưu Bị dù kết nghĩa đào viên với Trương Phi, Quan Vũ, nhưng thật lòng vẫn không tin tưởng hai người này, lại không thể rũ bỏ danh nghĩa huynh đệ.
Chính vì vậy, Lưu Bị muốn nuôi nấng Lưu Phong như một quân cờ để áp chế quyền lực của Trương Phi và Quan Vũ.
Tuy nhiên sau này, tài năng của Lưu Phong lại nổi bật hơn hẳn so với con ruột Lưu Thiền. “Kiến Lưu Phong truyện” miêu tả Phong “có võ nghệ, khí lực hơn người”, được mệnh danh là “sở tại chiến khắc” vì tài cầm quân thao lược
Lưu Phong, Quan vũ đều là những bề tôi tài giỏi của Lưu Bị, nhưng vì hiềm khích mà làm hỏng chuyện lớn, cuối cùng dẫn tới họa sát thân.
Mối hiềm khích sâu xa với Quan Vũ
Mặc dù được cha nuôi yêu quý, nhưng Lưu Phong lại không được lòng người thúc phụ (chú) là Quan Vũ.
Khi Lưu Phong được Lưu Bị đưa về bái Vân Trường (Quan Vũ) và Dực Đức (Trương Phi) làm thúc phụ (chú ruột), Vũ đã nói: “Đại huynh nay đã có con, hà tất phải nuôi con tò vò? Sau này thế nào cũng có loạn.”
Vậy nhưng Lưu Bị lại nói: “Ta nuôi như con đẻ, đối xử như cha ruột, sao có thể xảy ra chuyện gì”. Vân Trường thấy thế mà không bằng lòng.
Trong bài viết “Vì sao Quan Vũ không thích con nuôi của Lưu Bị”, học giả Lý Trì Á đã từng chỉ ra nguyên nhân thất bại của Quan Vân Trường trong trận Mạch Thành là xuất phát từ mối hiềm khích với Lưu Phong.
Đó là do Quan Vũ vốn không thích Lưu Phong, mà Lưu Phong đối với Vũ từ lâu cũng chẳng vừa mắt.
Lúc cuối đời, nhị đệ của Lưu Bị từng cầu viện Lưu Phong, nhưng Phong không chút nghĩ ngợi mà thẳng thừng cự tuyệt. Cuối cùng, Quan Vũ đại bại ở Mạch Thành.
Vậy mới thấy người thông minh như Quan Vân Trường cũng không biết suy tính trước sau, tính sai đường đi nước bước.
Vậy vì đâu, Quan Vũ không thích Lưu Phong? Các nhà nghiên cứu đã đặt ra ba giả thuyết trả lời cho câu hỏi này.
Giả thuyết đầu tiên khẳng định Quan Vũ đã phát hiện Lưu Bị muốn dùng Lưu Phong như quân cờ để áp chế quyền lực của mình và con trai Quan Bình.
Vũ vốn tưởng rằng, sau này Lưu Bị lên làm Hoàng đế, những huynh đệ vào sinh ra tử như ông và Trương Phi sẽ được làm đại thần, con trai Quan Bình cũng sẽ được làm tướng soái.
Tuy nhiên Lưu Phong xuất hiện đã trở thành trở ngại không chỉ của Quan Vũ, mà còn là một đối thủ cạnh tranh với con trai ông sau này. Quan Vũ cũng vì vậy mà bất bình ra mặt.
Giả thuyết thứ hai cho rằng Quan Vũ bất bình trước danh phận của Lưu Phong. Vũ luôn cho rằng Lưu Bị đã có con trai, sau này thậm chí sẽ có nhiều con cái hơn nữa, hà tất phải nuôi “con trai của người khác”.
Lưu Phong dù xuất thân danh gia vọng tộc, nhưng trong mắt Quan Vũ vốn chỉ là một đứa trẻ tha hương, một “mầm tai họa”. Phải phò tá cho một kẻ như vậy, Quan Vũ vốn là không cam lòng.
Giả thuyết cuối cùng nghiêng về việc Quan Vũ lo lắng trước cảnh tranh giành ngai vị có thể xảy ra giữa con nuôi và con đẻ của Lưu Bị.
Trong lịch sử, việc huynh đệ “nồi da xáo thịt” vì ngai vàng xưa nay không phải chuyện hiếm. Lưu Bị đã thu nhận Lưu Phong làm con đồng nghĩa với việc Phong cũng có quyền kế thừa hoàng vị.
Khi đó, Lưu Phong đã hơn 20 tuổi, tài năng xuất chúng, mà Lưu Thiền còn nhỏ dại, lại là con vợ ba, tư chất tầm thường, thân phận thua thiệt. Quan Vũ vì vậy mà lo Lưu Phong sẽ soán ngôi đoạt vị.
Một đời anh hùng, để lại tiếng thơm đến ngàn thu song cái chết của Quan Vũ lại đến từ một mối hiềm khích nhỏ nhặt không đáng có.
Đẩy Quan Vũ vào “tử lộ” và cái kết bi thảm của thân phận con nuôi
Quan Vũ là một tướng tài đã từng trảm Bàng Đức, vây Tào Tháo, được mệnh danh là “uy chấn Hoa Hạ” (Trung Nguyên). Nhưng về cuối đời, chỉ vì mối hiềm khích với con nuôi của Lưu Bị mà Quan Vũ đã bị đẩy vào “tử lộ”.
Năm 219, Quan Vũ mang quân từ Kinh châu lên phía Bắc đánh tướng Ngụy là Tào Nhân ở Tương Dương – Phàn Thành, có đề nghị Lưu Phong gửi binh trợ chiến nhưng bất thành.
Quan Vũ vì thế bị Lã Mông đánh úp sau lưng, phải bỏ Phàn Thành chạy về phía Mạch Thành. Lưu Phong đến lúc này vẫn án binh bất động, bỏ mặc Vũ cùng tàn binh bại tướng ở Mạch Thành.
Kết quả là Quan Vũ thất thủ Mạch Thành, bị quân Ngô bắt giết. Lưu Bị cũng vì việc này mà căm giận Lưu Phong.
Sau này, Lưu Phong thất thủ, vì không muốn hàng Ngụy mà bỏ chạy về Thành Đô. Lưu Bị lập tức bắt giữ con nuôi, nghe theo lời khuyên của Gia Cát Lượng, đem Lưu Phong xử tử.
Xuất thân là cháu ruột họ Lưu, hậu duệ nhà Hán, lại được Lưu Bị nhận nuôi từ năm 10 tuổi, nhưng Lâm Phong đã phải chịu án tử do chính tay cha nuôi của mình ban xuống.
Theo Trí Thức Trẻ