Những nhân vật phản diện nổi bật trong kiếm hiệp Kim Dung
Diễn xuất quá hoàn hảo của các diễn viên tài năng khiến cho những nhân vật trong truyện kiếm hiệp Kim Dung như được sống lại trên màn ảnh.
1. Tây Độc Âu Dương Phong: Xuất hiện liên tiếp trong Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp, Âu Dương Phong gây sóng gió khắp võ lâm bởi võ công tuyệt thế và sự độc ác tàn bạo của mình.
Để cướp được Cửu Âm Chân Kinh, tranh ngôi đệ nhất với Đông Tà, Nam Đế, Bắc Cái, hắn không từ thủ đoạn, giết chết Giang Nam Ngũ Quái và đầu quân cho Vương tử Đại Kim Hoàn Nhan Hồng Liệt.
Ngay cả khi đã trở nên khùng điên, Âu Dương Phong còn gián tiếp khiến Tiểu Long Nữ bị thất tiết, gây ra bi kịch tình yêu cho đứa con nuôi Dương Quá của mình.
2. Dương Khang/Hoàn Nhan Khang: Dù võ công kém cỏi nhưng về sự mưu trí và thủ đoạn, có thể nói Dương Khang còn hơn hẳn những đại nhân vật như Âu Dương Phong. Tuy là người Hán nhưng từ nhỏ sống trong nhung lụa với thân phận tiểu vương gia Hoàn Nhan Khang của nước Kim, Dương Khang đã nhiễm thói ham mê vinh hoa phú quý.
Bằng nhiều thủ đoạn, Dương Khang tìm cách phá hoại võ lâm Trung Nguyên, và tiếp tay với Âu Dương Phong giết luôn năm vị sư phụ của Quách Tĩnh. Cuối cùng, Dương Khang bị chết thảm dưới độc của Âu Dương Phong vốn dính trên Nhuyễn Nhị Giáp khi hắn toan giết Hoàng Dung.
3. Diệt Tuyệt Sư Thái: Diệt Tuyệt sư thái có lẽ là nhân vật đáng ghét nhất trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Tuy thuộc phe chính phái, nhưng Diệt Tuyệt Sư Thái lại có cách hành sự và suy nghĩ rất tàn độc, khắc nghiệt.
Do rất kì vọng Kỷ Hiểu Phù trở thành chưởng môn, Diệt Tuyệt Sư Thái đã vô cùng tức giận khi biết nàng có con riêng Bất Hối với Dương Tiêu Tả sứ của Minh Giáo và tự tay đánh chết nàng. Sau này vì muốn tiểu đệ tử Chu Chỉ Nhược thực hiện mưu đồ của mình, Diệt Tuyệt sư thái bắt nàng thề độc không được yêu thương Trương Vô Kỵ đồng thời dùng mỹ nhân kế chiếm đoạt Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao.
Tham vọng của Diệt Tuyệt sư thái đã biến Chu Chỉ Nhược từ một cô gái ngây thơ hiền lành thành nữ ma đầu thủ đoạn. Thiết nghĩ nếu không bái Diệt Tuyệt làm thầy, cuộc đời của cả Hiểu Phù và Chỉ Nhược đã không kết thúc trong đau khổ và bi kịch.
4. Thành Côn: Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Thành Côn xuất hiện trong chân dung của nhà sư Viên Chân từ bi đức độ. Vì mối tư thù với giáo chủ Minh Giáo Dương Đĩnh Thiên phá ngang, Thành Côn quyết phá hoại Minh Giáo. Để gây tiếng xấu cho Minh Giáo, Thành Côn giết hại người nhà của đệ tử Tạ Tốn, vốn là Hộ Pháp của Minh Giáo. Tạ Tốn vì uất hận mà ra tay giết người bừa bãi trở thành kẻ thủ của giang hồ, còn bản thân trốn vào đầu quân phái Thiếu Lâm, pháp hiệu Viên Chân.
Sau này, Thành Côn xúi giục Lục phái vây đánh Quang Minh đỉnh và ngầm làm gián điệp cho triều đình Mông Cổ để bắt cóc hết các chưởng môn lục đại phái của võ lâm để hòng chiếm ngôi Minh Chủ. Tuy cuối cùng gian kế của hắn bị vạch trần, nhưng có thể nói trong suốt 30 năm, một tay Thành Côn đã gây ra thảm cảnh máu chảy đầu rơi khắp nơi, xứng đáng được xem là nhân vật gây nhiều tội ác nhất trong giới phản diện của Kim Dung.
5. Nhạc Bất Quần: Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, tuy không có võ công cao cường nhất nhưng vị Nhạc Chưởng môn phái Hoa Sơn này lại có lòng nhẫn nại và tâm kế trá cực kì nguỵ sâu xa. Nhạc Bất Quần giỏi che đậy dã tâm bá chủ võ lâm bằng vẻ bề ngoài nghĩa khí, đạo mạo, đánh lừa được cả vợ con và đồ đệ của mình.
Nhạc Bất Quần lợi dụng con gái mình là Nhạc Linh San làm con cờ để lấy lòng Lâm Bình Chi nhằm từng bước chiếm bộ Tịch Tà kiếm phổ. Nhạc Bất Quần luôn ẩn nhẫn tìm cách che dấu việc luyện tập Tịch Tà Kiếm Phổ, thậm chí ra tay giết chết Định Dật sư thái của phái Hằng Sơn khi bị bà bắt gặp đang luyện công. Bộ mặt thật của lão chỉ lộ ra khi sử ra môn võ Tịch Tà Kiếm Phổ âm hiểm đánh bại Tả Lãnh Thiền đoạt ngôi Chưởng môn Ngũ Nhạc phái.
Khi đạt được mục đích của mình, Nhạc Bất Quần trở mặt với vợ và con gái, khiến cả hai người phụ nữ trung thành và thương yêu lão nhất phải bỏ mạng. Nhạc Bất Quần quả xứng với danh hiệu Nguỵ Quân Tử.
6. Mã phu nhân Khang Mẫn: Vốn chỉ là nhân vật phụ được nhắc đến hai lần trong bộ truyện Thiên Long Bát Bộ, nhưng nhan sắc và sự độc ác kinh người của nàng quả phụ Khang Mẫn chính là nguyên nhân sâu xa gây nên bất hạnh đại anh hùng Tiêu Phong. Vốn là vợ của Mã phó bang chủ Cái Bang, nhưng Khang Mẫn lại thầm ái mộ Tiêu Phong. Không ngờ Tiêu Phong lại dửng dưng trước vẻ thiên kiều bá mị của Khang Mẫn, ả nuôi hận trong lòng và tìm cách báo thù.
Khang Mẫn quyến rũ và xúi giục những nhân vật trọng yếu của Cái Bang như Toàn Quán Thanh và Bạch Chí Kính sát hại chồng mình, vu cáo cho Kiều Phong đồng thời vạch trần gốc gác người Khiết Đan của ông, làm ông thân bại dạnh liệt. Không dừng lại ở đó, Khang Mẫn còn tương kế tựu kế khai man với A Châu và Tiêu Phong rằng nhân vật Thủ Lĩnh đại ca là Đoàn Chính Thuần, nhầm mượn tay Tiêu Phong giết người tình cũ bội bạc của ả. Hiểu lầm này đã khiến Tiêu Phong đánh chết A Châu khi nàng giả trang thành cha mình để chịu tội thay. Thế là dù chỉ bằng lời nói, người đàn bà liễu yếu đào tơ này đã hại cho Tiêu Phong mất cả địa vị giang hồ lẫn người yêu và sống trong đau khổ dằn vặt cả đời.
7. Lý Mạc Sầu: Xích Luyện Tiên Tử Lý Mạc Sầu có lẽ là một trong những phản diện quen thuộc nhất bởi câu hát “Hỡi thế gian tình ái là chi?”. Tuy tên là Mạc Sầu (hết đau buồn) nhưng cuộc đời của nữ ma đầu xinh đẹp này chịu đau khổ vì vừa thèm khát vừa căm hận tình yêu. Lúc trẻ, vì đem lòng yêu Lục Triển Nguyên say đắm nhưng bị phụ bạc. Lý Mạc Sầu yêu quá hoá hận, trở thành một đạo cô dung mạo như ngọc mà lòng dạ rắn rết, không vừa ý là ra tay giết người.
Có thể nói bản thân Lý Mạc Sầu chính là hình tượng về một thứ tình yêu ích kỷ, chiếm hữu và mù quáng, đối lập với tình yêu cao thượng và thuần khiết của sư muội Tiểu Long Nữ của mình.
8. A Tử: Trong Thiên Long Bát Bộ, A Tử là hình ảnh trái ngược với người chị A Châu lương thiện cao thượng. A Tử sống ở Tinh Túc phái từ nhỏ, nhiễm phải thói gian tà giảo hoạt của đám đồng môn. Đặc biệt nàng có sở thích hành hạ, lấy nỗi đau của người khác làm niềm vui. Nàng nghĩ ra trò tra tấn ghê rợn là rạch mặt và cắt gân tay chân của Khang Mẫn rồi đổ mật ong lên vết thương để lũ kiến cắn xé da thịt. Hay với tên Du Thản Chi rất mực si mê nàng, A Tử sai người chụp một cái mặt nạ sắt nung nóng lên mặt hắn, cho vào lồng sư tử cào cấu, rồi đem hắn cho độc vật cắn để giúp nàng luyện công.
Có lẽ trong tâm hồn khiếm khuyết của A Tử, chỉ duy có thứ tình yêu thuỷ chung sắt son của Tiêu Phong dành cho chị của mình mới là thứ nàng muốn có nhất. Nhưng đáng trong mắt Tiêu Phong “một vạn A Tử còn sống, cũng không bằng A Châu đã mất”.
9. Đoàn Diên Khánh: Là nhân vật đứng đầu Tứ Đại Ác Nhân trong Thiên Long Bát Bộ, Đoàn Diên Khánh gây ấn tượng từ vẻ bề ngoài tàn tật dị hợm, người không ra người cũng không ra ma của mình. Diên Khánh vốn là Thái Tử của nước Đại Lý, nhưng vì gặp biến cố mà lưu lạc giang hồ. Sự tàn tật khiếm khuyết về ngoại hình đã biến hắn thành một kẻ thâm trầm âm hiểm.
Đoàn Diên Khánh (2003) do Hứa Xuân Hoa đóng được coi là phiên bản thành công nhất về mặt ngoại hình lẫn diễn xuất. Bằng vẻ mặt trơ trơ nham hiểm, Hứa Xuân Hoa gây khiếp sợ bởi ánh mắt hằn học và tiếng cười ghê rợn của mình mỗi khi xuất hiện.
10. Đông Phương Bất Bại: Xuyên suốt bộ truyện lẫn trong phim, Đông Phương Bất Bại hầu như chỉ được nhắc tới trong lời kể của nhân sĩ giang hồ. Y chỉ xuất đầu lộ diện duy nhất một lần trong lúc giao đấu trên cơ ba đại cao thủ là Nhậm Ngã Hành, Hướng Vấn Thiên và Lệnh Hồ Xung. Võ công cực cao nhưng Đông Phương Bất Bại lại là kẻ đồng tính luyến ái, thích thêu thùa và yêu đàn ông.
Sự độc đáo của nhân vật này thúc đẩy các nhà làm phim cải biên thêm thắt tình tiết ly kì như có tình cảm với Lệnh Hồ Xung trong hai phiên bản điện ảnh của Lâm Thanh Hà và gần đây nhất là phiên bản truyền hình của Trần Kiều Ân. Còn về phiên bản sát với nguyên tác nhất phải kể tới Đông Phương Bất Bại của nữ diễn viên Mao Uy Đào.
Theo Đất Việt