1. Tấm lá chắn vô hình xung quanh Trái đất
Năm 1958, James Van Allen tại đại học Iowa đã phát hiện một cặp vành đai bức xạ xung quanh Trái đất, ở khoảng cách 40.000km so với mặt đất. Các vành đai này chứa các hạt điện tử năng lượng cao và proton. Đây chính là các hạt năng lượng bắn ra từ hoạt động của Mặt Trời, vào những lúc Mặt Trời hoạt động mạnh hay còn gọi là hiện tượng bão Mặt Trời thì số lượng cũng như mức độ năng lượng của các hạt này càng tăng cao.
Các hạt năng lượng cao cùng bức xạ này chính là những kẻ giết người vô hình, không những vậy chúng còn có thể gây ảnh hưởng tới các vệ tinh và hệ thống điện tử trên Trái đất. Tuy nhiên hấu hết chúng đều không thể tiếp cận bề mặt Trái đất, một số hạt năng lượng cao hơn có thể xâm nhập sâu hơn bầu khí quyển, nhưng tất cả đều phải dừng lại ở khoảng cách 11.000km so với mặt đất.
Các nhà khoa học cho rằng, có một bức tường vô hình giúp ngăn cản những hạt năng lượng này xâm nhập vào Trái đất. Nó giống như tấm lá chắn năng lượng vô hình trong các bộ phim viễn tưởng như Star Wars. Tuy nhiên vì sao Trái đất lại có một tấm lá chắn như vậy vẫn là điều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Nhiều giả thuyết cho rằng, từ trường của Trái đất là nguyên nhân các hạt năng lượng cao không thể xâm nhập vào bên trong, tuy nhiên giả thuyết này vẫn vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
2. Hiện tượng bay ngang bất thường
Từ khi con người biết đưa các vệ tinh và tàu vũ trụ vào không gian, các nhà khoa học đã biết tận dụng lực hấp dẫn của các hành tinh giống nhu lực ly tâm để giúp tạo thêm lực đẩy cho những cuộc thám hiểm vũ trụ. Nó gần giống như khi bạn cột một sợi dây vào tảng đá, sau đó quay tròn để ném tảng đá đi xa hơn.
Tuy nhiên trong những lần áp dụng phương pháp này, các nhà khoa học nhận thấy một hiện tượng kỳ lạ. Đó là vận tốc quay của tàu vũ trụ hoặc vệ tinh xung quanh một hành tinh là không ổn định. Nó được gọi là hiện tượng bay ngang bất thường. Trong khi đó, trên lý thuyết thì vận tốc quay phải tăng dần hoặc giảm dần với gia tốc ổn định theo như tính toán của các nhà khoa học.
Còn trong thực tế thì tàu vũ trụ Cassini của NASA được phóng lên quỹ đạo của Trái đất vào năm 1999, lại có lúc tăng tốc và có lúc giảm tốc bất thường khi quay xung quanh Trái đất. Nhiều giả thuyết được đặt ra, trong đó có giả thuyết về vật chất tối còn sót lại trong hệ Mặt Trời. Nó giống như một vùng vật chất dày đặc nhưng không thể quan sát được. Khi tàu vũ trụ đi qua vùng vật chất này nó sẽ bị giảm tốc độ lại giống như một viên đạn đang bay từ môi trường không khí sang môi trường chất lỏng.
3. Vệt đỏ lớn trên sao Mộc
Trong lần đầu tiên quan sát sao Mộc, các nhà khoa học đã phát hiện ra một vệt đỏ lớn bí ẩn có hình tròn trên bầu khí quyển của hành tinh này. Kích thước của nó là đủ để 2 Trái đất chui vào, và nó vẫn tiếp tục di chuyển phía trên bầu khí quyển của sao Mộc. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể biết được nó là cái gì, nhưng chỉ biết rằng nó đã xuất hiện từ cách đây rất lâu rồi.
Đã có nhiều giả thuyết đặt ra nhằm giải thích xem nó là cái gì, cũng như sự hình thành và vì sao nó lại có kích thước lớn đến như thế cùng màu đỏ như gạch. Trong đó, nhiều nhà khoa học cho rằng đó là một cơn bão khổng lồ, nó được hình thành từ cách đây rất lâu và trên đường đi của mình nó hấp thụ các cơn bão nhỏ khác. Giống như một hố đen mini để tiếp tục tồn tại và lớn dần lên.
Màu đỏ của cơn bão là do các vật chất trên bề mặt của sao Mộc bị hút vào cơn bão. Tuy nhiên có giả thuyết khác cho rằng ánh sáng Mặt Trời phản chiếu cùng với một số hóa chất có trong khí quyển sao Mộc như amoniac và acetylene khiến cho nó có màu đỏ. Hiện tại thì vệt đỏ bí ẩn này vẫn tiếp tục di chuyển và lớn dần lên.
4. Thời tiết trên mặt trăng Titan của sao Thổ
Titan là Mặt trăng duy nhất của sao Thổ, điều thú vị là nó cũng có các mùa giống như Trái đất. Mỗi mùa trên Titan kéo dài khoảng 7 năm trên Trái đất, đó là vì sao thổ phải mất tới 29 năm để quay xong 1 vòng quanh Mặt Trời. Lần chuyển mùa gần đây nhất trên Titan là vào năm 2009, khi mà Bán cầu Bắc mùa đông chuyển sang mùa xuân và Bán cầu Nam vừa kết thúc mùa hè.
Tuy nhiên vào khoảng tháng 5 năm 2012, trong suốt mùa thu ở Nam bán Cầu của Titan, các nhà khoa học phát hiện hình ảnh của một cơn lốc xoáy cực lớn với đường kính lên đến 300km. Đây là điều không thể xảy ra trong điều kiện ấm áp tại Nam bán Cầu lúc đó.
Trong khi đó, bằng phương pháp phân tích quang phổ, các nhà khoa học phát hiện dấu hiệu của các hạt đông lạnh hydrogen cyanide (HCN) bên trong khi quyển của cơn bão này. Trong khi đó để hình thành được các các hạt đông lạnh HCN này thì nhiệt độ phải thấp hơn 100 độ C so với bình thường. Điều đó có nghĩa là thời tiết trên Titan đã có sự đảo chiều khó hiểu.
Hiện tại các nhà khoa học chưa thể lý giải được bí ẩn này. Cũng không có một giả thuyết nào được đặt ra, vì số lượng các hành tinh có sự phân bố mùa giống Trái đất là rất hiếm. Trong khi đó hiện tượng này cũng vô cùng đặc biệt. Nó khiến các nhà khoa học lo sợ điều tương tự có thể xảy ra đối với Trái đất.
5. Tia vũ trụ siêu năng lương cao
Tia vũ trụ với bức xạ năng lượng cao mà không giống như những tia bức xạ từ Mặt Trời là một trong những điều bí ẩn các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết được các tia vũ trụ này có nguồn gốc từ đâu, cũng như vì sao chúng lại có năng lượng lớn như vậy.
Trên Trái đất, các nhà khoa học cũng ghi nhận được những tia vũ trụ như vậy chiếu thẳng vào bầu khí quyển của chúng ta. Nhưng nhờ có tấm lá chắn vô hình mà các tia này không làm ảnh hưởng gì đến con người cũng như các thiết bị điện tử trên bề mặt Trái đất. Các tia vũ trụ này mang theo những hạt năng lượng cao nhất mà chúng ta từng thấy trong vũ trụ.
Có giả thuyết cho rằng các tia vũ trụ này đến từ những vụ nổ rất lớn do sự hình thành, sụp đổ hoặc va chạm của các ngôi sao lớn bên ngoài dải Ngân hà. Tuy nhiên theo quan sát thì sự xuất hiện của các tia vũ trụ này không trùng hợp với bất kỳ hiện tượng vũ trụ nào mà chúng ta có thể quan sát.
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét